Giao thông

Gỡ khó nguồn cung vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

Lê Khánh 28/12/2023 11:57

Cục trưởng Cục Khoáng sản, Nguyễn Trường Giang cho biết, tới năm 2030, ngành giao thông phấn đấu cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Vì vậy, việc triển khai đồng loạt các dự án dẫn tới khan hiếm nguồn cung cho các mỏ vật liệu đang khai thác.

Khan hiếm nguồn vật liệu

Nghị quyết Đại hội của Đảng xác định tới năm 2030, ngành giao thông phấn đấu cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản cho biết, việc triển khai đồng loạt các dự án dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung cho các mỏ vật liệu đang khai thác.

Để giải quyết tình trạng trên, Cục trưởng Cục Khoáng sản chia sẻ, Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép khai thác các mỏ vật liệu khoáng sản làm vật liệu san lấp. Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT chủ trì, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quá trình khai thác mỏ vật liệu.

thi-cong.jpeg
Việc triển khai đồng loạt các dự án dẫn tới khan hiếm nguồn cung cho các mỏ vật liệu đang khai thác. Ảnh minh họa.

"Các địa phương có các dự án đi qua cũng chủ động trong cấp phép mỏ vật liệu theo thẩm quyền, điều tiết và phân bổ vật liệu. Bộ TN&MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, ngành trong khai thác mỏ vật liệu. Đồng thời, rà soát các dự án về nguồn cung ứng vật liệu tại các địa phương", Cục trưởng Cục Khoáng sản nhấn mạnh.

Theo đó, trong việc điều phối vật liệu, các cơ quan liên quan đã rà soát nhu cầu của các dự án, nguồn cung ứng từ các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cân đối bố trí nguồn vật liệu.

Mặt khác, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản đồng ý giao cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, ưu tiên bố trí nguồn đất đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau với khối lượng 9,1 triệu m3 trong năm 2023. Bộ TN&MT đã làm việc với các địa phương để giải quyết việc điều phối vật liệu.

Cục trưởng Cục Khoáng sản đề nghị các địa phương áp dụng các hướng dẫn để giải quyết thủ tục liên quan tới thu hồi đất, GPMB, bãi đổ thải, huy động mỏ vật liệu để đủ trữ lượng, chất lượng cung cấp cho các dự án.

Về đề xuất sửa đổi các quy định liên quan, ông Giang cho biết: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung quy định về phân nhóm khoáng sản. Khoáng sản được xác định là vật liệu thông thường, được xếp vào nhóm 3,4 và giao cho Chính phủ quy định cấp phép thăm dò theo hướng đơn giản hóa, tối đa thủ tục hành chính, phù hợp với thực tiễn.

Bộ GTVT sớm chỉ đạo dùng cát biển thay thế cát sông

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho hay, Đồng Tháp rất vui mừng khi lần đầu có cao tốc đi qua với tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ khoảng 10km vừa khánh thành, Tuyến Cao Lãnh – An Hữu thành phần 1 dài 17km đã khởi công trong tháng 6; tuyến Cao Lãnh – Mỹ An dài 28km dự kiến chuẩn bị khởi công trong năm 2024.

Trong thời gian tới, ông Nghĩa đề nghị sớm có kế hoạch triển khai tuyến Cao Lãnh – Mỹ An để địa phương chuẩn bị phương án đền bù GPMB.

Bên cạnh đó, về cung ứng nguyên liệu cát cho cao tốc, lãnh đạo Đồng Tháp khẳng định tỉnh luôn thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ.

a.jpeg
Lượng cát của Đồng bằng Sông Cửu Long còn rất hạn chế, tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo thay thế bằng cát biển để hạn chế việc khai thác cát sông.

"Hiện tỉnh đã cung cấp song cát cho tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ. Với chỉ tiêu 7 triệu m3 cho cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT đặc biệt là Ban Mỹ Thuận đã giới thiệu 7 mỏ cát với sản lượng trên 7 triệu m3 cho 7 nhà thầu.

Đến nay đã có 5 nhà thầu đi vào khai thác với sản lượng khoảng 1,3 triệu m3.

Bên cạnh đó, tỉnh cân đối trữ lượng cho các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh như Cao Lãnh – An Hữu, Cao Lãnh – Mỹ An với khoảng 6,5 triệu m3 trên, Đồng Tháp đã có đánh giá trữ lượng từng mỏ để giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Quốc hội", ông Nghĩa khẳng định.

"Lượng cát của Đồng bằng Sông Cửu Long còn rất hạn chế, đề nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo thay thế bằng cát biển để hạn chế việc khai thác cát sông", ông Nghĩa đề nghị.

Để tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu xây dựng, ông Giang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các nghị quyết của quốc hội, đáp ứng nhu cầu đột phá cơ sở hạ tầng.

"Để bảo đảm nguồn vật liệu đất đắp, Bộ TN&MT đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án đánh giá tiềm năng vật liệu cát biển phục vụ nhu cầu san lấp của các dự án thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Thời gian qua, Bộ GTVT đã cùng UBND tỉnh Sóc Trăng chuyển giao kịp thời để phục vụ cho dự án", ông Giang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó nguồn cung vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO