Gỡ khó tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh

PHƯƠNG CHI 05/11/2023 06:46

Dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, nhưng tại nhiều địa phương, bệnh viện đang tái diễn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Theo đó, những rào cản trong đấu thầu được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Nhiều bệnh nhân vẫn phải tự mua thuốc, vật tư y tế chữa bệnh dù có bảo hiểm y tế.

Ghi nhận từ thực tế, dù có bảo hiểm y tế nhưng gần đây nhiều bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước lại bị yêu cầu ra hiệu thuốc bên ngoài bệnh viên mua từ bông băng, kim tiêm... Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện này diễn ra nhiều tháng qua khiến bệnh nhân căng thẳng và thiệt thòi. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước thừa nhận tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và buộc phải yêu cầu bệnh nhân mua bên ngoài là do việc chậm trễ trong quy trình thực hiện công tác đấu thầu.

Tương tự với nguyên nhân trên, các bệnh viện miền Tây Nam Bộ cũng rơi vào tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ là nơi tiếp nhận, sàng lọc và sản xuất máu để cung cấp máu - chế phẩm máu cho 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy gần 1 năm nay, tình hình khó khăn do chậm đấu thầu thuốc và hóa chất vật tư tiêu hao nên bệnh viện không còn túi lấy máu cũng như cạn hóa chất vật tư dùng cho xét nghiệm máu dẫn đến khó khăn trong cung cấp cho các bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt thông tin, trước đây đấu thầu do Sở Y tế làm tập trung, nhưng lần này Sở giao các bệnh viện tự làm. Chúng tôi đã chuẩn bị từ cuối năm 2021, đến đầu năm 2022 bệnh viện trình Sở Y tế để phê duyệt các gói thầu của bệnh viện sử dụng trong năm. Tuy nhiên do các thủ tục chậm được phê duyệt, kéo theo chậm ở nhiều khâu, sau đó đổi thành gói thầu vật tư hóa chất cho năm 2023 - 2024 và kéo dài đến nay. Gói thầu bệnh viện tổng cộng 394 mặt hàng, trong đó có sai sót, bổ sung nhiều lần, các cấp thẩm quyền phê duyệt gói cuối là ngày 18/10. Nhiều tháng nay, nơi này cung cấp nhỏ giọt, chưa tới 1/10 nhu cầu của các bệnh viện.

Tình trạng thiếu máu cũng diễn ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng… Cũng với đó, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương nhiều bệnh nhân không thể thay thủy tinh thể vì đã hết thủy tinh thể từ nhiều tháng nay. Đáng chú ý, nguy cơ thiếu hụt vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đang hiện hữu khi nhiêu trạm y tế thông báo không còn vaccine 5 trong 1 khi các bậc phụ huynh đưa con, em đến tiêm chủng theo lịch. Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dự kiến nhanh nhất đến cuối tháng 12/2023 mới có lại nguồn cung ứng vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10, có hơn 61% cơ sở y tế báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám chữa bệnh; khoảng 38,5% đơn vị báo cáo tạm thiếu thuốc cục bộ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch Covid-19, có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng sau gần 3 năm tập trung chống dịch. Cùng với đó là vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế. “Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, xung đột giữa các quốc gia… làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn”, người đứng đầu Bộ Y tế nêu rõ.

Về đảm bảo nguồn cung, bà Đào Hồng Lan nói: Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc các loại và 100.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực. Số lượng này đảm bảo nguồn cung trên thị trường cho các cơ sở y tế. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, phân cấp toàn diện việc phê duyệt, thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm thuốc đấu thầu tập trung quốc gia; phối hợp với các cơ sở y tế, địa phương rà soát các vướng mắc liên quan đến đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế…

Tuy vậy, dư luận cũng đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai? Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhìn nhận: Nếu luật, các nghị định, nghị quyết, thông tư đã ra đời mà vẫn để thiếu thuốc thì trách nhiệm thuộc về ngành y tế bao gồm lãnh đạo Bộ Y tế đến các cục, vụ và tiếp theo là giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện. “Nguyên nhân thiếu chính nằm ở hai nhóm. Thứ nhất là các văn bản pháp quy hiện nay vẫn thiếu tính thực tiễn nên vẫn khó cho đầu thầu, mua sắm. Thứ hai là do khó làm nên nhiều lãnh đạo có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm lại gặp khó. Để cho nhân dân bị thiếu thuốc là có tội. Khi mọi nút thắt đã được tháo gỡ, ở những nơi khác đã làm được, đã có thuốc, có vật tư y tế, mà lãnh đạo một số đơn vị không làm được thì phải xem xét và có biện pháp thay thế”, ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO