Gỡ khó trường nghề

Đoàn Xá 17/01/2017 09:05

Không lâu sau khi chuyển cơ quan chủ quản từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ- TB&XH, hàng ngàn trường dạy nghề, trung tâm đào tạo nghề trên cả nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức.

Ngoài việc đảm bảo được yêu cầu là cung cấp nguồn nhân lực lao động tay nghề cho xã hội, mục tiêu trước mắt của các trường nghề hiện nay là phải “sống” được. Nghĩa là các trường nghề phải tìm cách thu hút người học trong bối cảnh việc tuyển sinh ở cấp bậc đại học đang rất dễ dàng với tâm lý thích vào đại học.

Gỡ khó trường nghề

Trường nghề đang đứng trước nhiều khó khăn.

Nhiều thách thức

Với khoảng hơn 400 trường cao đẳng, gần 600 trường trung cấp và gần một ngàn trung tâm dạy nghề, trong 5 năm qua, các đơn vị này cung cấp cho xã hội khoảng 9 triệu lao động có tay nghề, đạt 75% so với chỉ tiêu.

Phần lớn trong số đó là lao động sơ cấp, nghĩa là thời gian đào tạo nghề chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Theo ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, từ các số liệu thông kế có thể thấy vai trò của các trường nghề là vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội.

Không chỉ giúp giải quyết việc làm trực tiếp, đây còn là nguồn cung cấp lao động chất lượng có tay nghề cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thì trường nghề chưa đáp ứng được các yêu cầu ngày càng thay đổi của xã hội, đặc biệt trong quá trình hội nhập với các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết lao động nghề vẫn phải đào tạo lại khi đi làm.

Các kỹ năng mềm, ngoại ngữ của lao động nghề cũng chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng chuẩn của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường nghề cũng chưa năng động, chưa tiếp cận nhanh chóng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Khi thị trường cần các ngành nghề nào đó thì các trường nghề chậm chạp để thay đổi, đáp ứng. Thậm chí nhiều trường nghề còn duy trì các giáo trình trong nhiều năm liền.

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các trường nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là các lao động nghề đặc thù, lao động nghề độc hại, khó khăn.

Việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ của các giáo viên dạy nghề cũng hết sức cần thiết. Song song với đó là biên soạn những giáo trình dạy nghề sát với thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội.

Trong xu hướng kinh tế phát triển hội nhập với thế giới, việc các lao động nghề đáp ứng được các chuẩn đào tạo của các nước khác cũng là hết sức cần thiết.

Điều này tránh tình trạng các lao động nghề đang thất nghiệp trên chính quê hương mình khi không đáp ứng được đòi hỏi của các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Ngoài ra, một lãnh đạo trường nghề cũng cho biết các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý cần có biện pháp phân luồng, tuyên truyền sâu rộng để người lao động hiểu được vài trò của học nghề, tránh trường hợp đổ xô vào giáo dục đại học như thời gian dài vừa qua. Việc phân luồng này có ý nghĩa sống còn với tất cả các đơn vị dạy nghề hiện nay.

Chung tay gỡ khó

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, việc gỡ khó cho các trường nghề hiện nay là việc làm cần thiết, cấp bách và quan trọng. Tạo đội ngũ lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề, có việc làm sẽ giải quyết được nhiều những bất cập của xã hội.

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản, cần có sự chung tay, giúp sức của nhiều đơn vị. Đầu tiên chính là việc liên kết các trường nghề và doanh nghiệp sử dụng lao động.

Nghĩa là khi bắt đầu đào tạo thì các trường nghề phải nắm được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhu cầu chung của xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là thời điểm các trường nghề đang chịu nhiều sức ép nên các cơ quan chủ quản ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa, nâng cao tính tự chủ của các trường nghề, phối hợp để giúp các trường nghề phát triển.

Ngoài ra, việc thời gian đào tạo ngắn (2-3 năm) cũng là một ưu điểm của trường nghề. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn đầy đủ hơn và tránh bị động trong những biến động của nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Nếu như nhiều sinh viên đại học đổ dồn và các nghề “hót” để học nhưng sau khi ra trường (5 năm) thì ngành nghề đó đã không còn “hot” nữa, khó kiếm việc làm thì tình trạng này ở trường nghề ít xảy ra hơn.

Đại diện của Tổng cục Dạy nghề cho rằng, để đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo dạy nghề hiện nay cần sự chung tay, giúp sức của nhiều ban nghành, toàn xã hội.

Từ thái độ người học, tâm lý sử dụng lao động. Riêng các trường nghề phải liên kết, tránh hoạt động manh mún, riêng lẻ. Nếu cần có thể phát triển thí điểm mô hình một số trường nghề mũi nhọn với nhiều ưu đãi đặc thù để vực dậy, tạo tín hiệu tốt cho các trường khác noi theo cũng như hiệu ứng sử dụng lao động của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó trường nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO