Một con số thống kê cho biết, mỗi năm có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp “khai sinh”, song con số có thể tồn tại và trụ được trên thương trường chỉ khoảng 10%. Vì sao số DN có thể “sống sót” lại khiêm tốn như vậy? Câu trả lời vẫn nằm ở các quy định, chính sách, thủ tục hành chính… mà nói như một chuyên gia kinh tế, đó là những rào cản làm giảm sức cạnh tranh của DN, khiến DN khó sống.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn
Khởi nghiệp mạnh mẽ
Không phủ nhận, năm 2016 là năm chứng kiến số lượng DN thành lập mới mạnh mẽ nhất, khi đạt đến hơn 100.000 DN, tăng 16,2% so với năm 2015. Cùng với đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi DN thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số DN quay trở lại hoạt động là 26.689 DN, tăng 43,1%. Có được những con số ấn tượng này là nhờ hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ.
Bên cạnh đó, năm 2016 cũng chứng kiến nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, như: Tiki, Lozi, Cốc Cốc… Tất cả những động thái trên đã “truyền lửa”, thúc đẩy ý tưởng, “máu” kinh doanh của các nhà doanh nhân trẻ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, các chính sách được ban hành trong năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ phát triển DN… đã trở thành những điểm nhấn ấn tượng nhất đối với cộng đồng khởi nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn vào con số DN khởi nghiệp có thể “sống sót”, chỉ khoảng 10%, ai cũng phải đặt câu hỏi: Liệu còn những điểm nghẽn nào đang cản chân DN? Theo ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), mặc dù nhà quản lý đã có rất nhiều động thái nhằm giải tỏa các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, song thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với DN nước ngoài, khó khăn trong tiếp cận vốn... vẫn là những rào cản không nhỏ để các DN bắt tay khởi nghiệp.
Theo vị chuyên gia, nhiều người nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy là chưa đủ. Để khởi nghiệp, ngoài ý tưởng, các nhà kinh doanh trẻ còn phải hội tụ rất nhiều những yếu tố cần thiết, bao gồm công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn và cả những kiến thức về DN cũng như pháp luật. “Người làm khởi nghiệp luôn phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn lực để đối phó các tình huống có thể xảy ra, tránh tình trạng “chết yểu” trước ngưỡng cửa thành công”, ông Thành nhấn mạnh
Chỉ ra các rào cản trong quá trình khởi nghiệp, ông Thành cho rằng, “hệ sinh thái” khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự tốt, chưa thực sự hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Trong khi đa phần các dự án khởi nghiệp thường có số vốn nhỏ nên đang là trở lực lớn nhất cho quá trình khởi nghiệp thì các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để khuyến khích các vườn ươm DN công nghệ.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Trước hàng loạt những “chướng ngại vật” trên con đường khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ, ông Thành bày tỏ mong muốn, nhà quản lý cần tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó cần chú ý nhất là đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin từ các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư biết để dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu.
“Cần có chính sách riêng biệt cho từng loại hình khởi nghiệp. Nếu cá nhân chỉ đơn thuần mở dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được tạo điều kiện thương mại thuận lợi, giảm chi phí, phiền hà quy định hành chính. Đối với DN khởi nghiệp công nghệ cao, đầu tư chất xám cần phải có chính sách hỗ trợ thiết thực, nếu gặp thất bại sẽ tiếp tục nghiên cứu khởi nghiệp”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, cần cân nhắc xây dựng một thị trường vốn chuyên dành cho các DN khởi nghiệp. Thị trường này sẽ cung cấp cơ hội cho DN khởi nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn thấp hơn. Chẳng hạn tiêu chuẩn công khai về đặc tính của sản phẩm, báo cáo đánh giá tác động của sản phẩm đến thị trường, báo cáo triển vọng của sản phẩm…
Là một DN đã từng bước qua giai đoạn khởi nghiệp, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh FPT Shop cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các doanh nhân trẻ gặp phải khi khởi nghiệp đó là thiếu vốn và cơ chế quản lý của Nhà nước, trong khi những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho DN chưa nhiều.
“Việt Nam có nhiều tài nguyên, nhân lực trẻ, năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm nhưng việc khởi nghiệp vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ trong nước là do DN vẫn rất khó tiếp cận vốn. Trong khi ở các nước, quỹ cho DN khởi nghiệp chủ động tìm DN thì ở Việt Nam ngược lại, DN phải đi “săn” vốn mà mỏi mắt không ra” – ông Bảo chia sẻ.
Ngoài ra, theo phản ảnh của các DN khởi nghiệp, vẫn còn rất nhiều chính sách, quy định, quy trình phức tạp, cứng nhắc gây khó khăn cho DN, rất nhiều ý tưởng hay vẫn chưa có được đủ các điều kiện để thực hiện...