Tự do sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật là quyền văn hóa được ghi nhận tại các Công ước của Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên. Thế nhưng, những rào cản trong khâu kiểm duyệt trong nhiều năm nay đang trói buộc cảm hứng sáng tạo của nhiều họa sĩ. Bởi, chính họ cũng không biết tác phẩm của mình khi hoàn thiện có được cấp phép hay không?
Tác phẩm “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế.
Khi sự sáng tạo bị tổn thương
Mới đây, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ câu chuyện về bức tranh “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” của anh bất ngờ bị loại khỏi danh sách dự án phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội). Trong đó, lý do mà Hội đồng thẩm định là Sở VHTT Hà Nội đưa ra không khỏi làm nghệ sĩ “chạnh lòng”. Theo họa sĩ thì bức tranh sắp đặt của anh biến một ô vòm cầu thành bức tường của căn nhà 63 Phùng Hưng với những sắp đặt đồ thật, nhằm gợi nhớ về Hà Nội một thời với những ngôi nhà Tây quyến rũ và những câu chuyện văn hóa phía sau.
Tuy nhiên, sau khi thẩm định hội đồng đã lại yêu cầu họa sĩ phải sửa lại bức tranh đó bởi lý do đưa ra được cho là rất “thiếu chuyên môn”. “Không nên xé thế này, bởi khi so sánh giữa quá khứ và hiện tại nên là một vệt sáng. Nên bỏ chi tiết xé trong tranh. Thậm chí họ còn đặt những câu hỏi đến bản thân tôi cũng khó hiểu như “Số nhà có ý gì?”. Họ quá suy diễn tác phẩm của tôi và nếu vẫn ép buộc tôi sửa thì tôi sẽ rút tranh khỏi dự án bích họa Phùng Hưng” – họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.
Tuy nhiên, câu chuyện của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chỉ là một trong những “oan ức” của người nghệ sĩ trong khâu kiểm duyệt mỹ thuật hiện nay. Đơn cử, câu chuyện của nhà phê bình mỹ thuật Vũ Lâm về bức tranh “Dậy thì” của nữ tác giả Hà Quỳnh Nga gửi tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc. Theo ông Lâm, bức tranh khi được gửi đến triển lãm đa số các thành viên trong hội đồng đều có ý kiến đánh giá cao chất lượng nghệ thuật của tác phẩm và cá tính thể hiện của tác giả.
Thậm chí có người còn đề nghị xét giải cho tác phẩm trên. Thế nhưng, Hội đồng duyệt của ngành chức năng tỉnh Phú Thọ, với duy nhất một người là họa sĩ, đã không duyệt treo bức tranh này. Sau đó, Hội đồng duyệt của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phản đối gay gắt, nhưng chỉ đến khi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nhận xét tốt và đồng ý thì bức tranh này mới được treo.
Không chỉ những họa sĩ trẻ bị “tổn thương” bởi những rắc rối trong khâu kiểm duyệt mỹ thuật mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã phải “cười ra nước mắt” bởi những bất cập này. Như trường hợp của nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Như Huy (TP HCM) với tác phẩm bức tranh tường lớn kết hợp với các nghệ sĩ Indonexia vẽ về Sài Gòn. Theo kế hoạch bức tranh sẽ được thực hiện tại TP HCM. Thế nhưng qua 4, 5 tháng vẫn không vượt qua được “hàng rào” kiểm duyệt trong nước; sau đó đã được chuyển sang Jarkarta và đến nay, bức tranh tường này đã trở thành tác phẩm nghệ thuật thu hút và ấn tượng ở Thủ đô của Indonesia.
Thông thoáng nhưng đúng luật
Có thể thấy, công tác kiểm duyệt tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam đang tồn tại nhiều “rào cản” làm hạn chế các nghệ sĩ trong cách thức tự do biểu đạt và sáng tạo nghệ thuật. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thừa nhận: “Nhà nước hành chính hóa, phân cấp duyệt cấp phép triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh”. Ông Quân cho rằng chính các họa sĩ, người sáng tạo sẽ tự ý thức về nội dung tác phẩm cũng như các “kênh” đưa tác phẩm đến với công chúng, căn cứ vào từng không gian cụ thể.
Chẳng ai đưa nude vào nơi thờ tự, di tích hay các thiết chế đặc thù như nhà văn hóa thiếu nhi cả. Nếu cứ kiểm duyệt quá khe khắt thì con đường đưa tác phẩm mỹ thuật đến với công chúng, đặc biệt ở các cơ sở, vùng sâu, vùng xa… sẽ càng trở nên khó khăn. “Có vị lãnh đạo địa phương còn không phân biệt thế nào là tranh vẽ, ảnh chụp thì làm sao họ có thể thẩm định, kiểm duyệt hay cấp phép cho tác phẩm của chúng tôi?” - ông Quân dẫn chứng.
Đồng quan điểm, theo nhà phê bình mỹ thuật Vũ Lâm việc kiểm duyệt các tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam đang có chuyện nhiều trường hợp tác phẩm có chủ đề “nhạy cảm” nếu ở trung ương thì được cấp phép, được biểu diễn, triển lãm. Nhưng về đến địa phương thì lại bị ngăn chặn. Các “nhà kiểm duyệt” thấy cái gì quá “nhạy cảm” so với tầm hiểu biết của mình, với dự đoán sẽ gây ồn ã “nguy hiểm” trong dư luận, có thể sẽ không hài lòng lãnh đạo, thì cứ tự ý ra quyết định ngăn cấm hoặc yêu cầu tác giả cắt cúp trước “cho nó lành”.
Ông Lâm cũng đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa ở trung ương cần xúc tiến mọi nỗ lực nhanh nhất để cho ra đời một Luật về nghệ thuật (nói chung) và các văn bản dưới luật quy định chi tiết việc thi hành. Các tác phẩm văn nghệ không đòi hỏi phải được cấp phép mới được ra mắt, chỉ cần không vi phạm pháp luật và “thuần phong mỹ tục” là được.
Tác giả được yêu cầu thông báo sự kiện với cơ quan quản lý nghệ thuật và mời đại diện của họ đến tham dự, thưởng thức. Sau đó, nếu như dư luận xã hội lên tiếng phản đối, thì lúc đó, cơ quan có chức năng quản lý văn hóa - văn nghệ của Chính phủ mới ra tay, vào cuộc. Tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước công luận xã hội và chính quyền về hiệu quả hoặc hậu quả từ tác phẩm của mình.
Xung quanh vấn đề này, cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành nhận định: “Công tác thẩm định cấp giấy phép các triển lãm mỹ thuật, ở nhiều địa phương vẫn còn những lúng túng trong việc phân cấp giữa UBND tỉnh, thành phố và Sở VHTTDL, SởVHTT. Công tác thanh tra kiểm tra, hậu kiểm các hoạt động triển lãm mỹ thuật, thanh tra chuyên ngành chưa được làm thường xuyên”.
Cục trưởng cũng thừa nhận nguyên nhân công tác thẩm định, cấp phép do thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn về mỹ thuật nên vẫn còn những kỳ, cuộc, những địa phương chưa có được sự chia sẻ giữa nhà quản lý và nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong tương lai không xa chúng tôi sẽ cố gắng để các họa sĩ sẽ được “cởi trói”, khi cơ quan quản lý nhà nước bãi bỏ việc kiểm duyệt, cấp phép triển lãm các tác phẩm mỹ thuật. “Chúng tôi vẫn đang vận động xây dựng Luật Mỹ thuật vì nhu cầu ngày càng cấp thiết. Đương nhiên khi xây dựng Luật, bản thân tôi sẽ thuyết phục để không còn cấp phép triển lãm nữa” - ông Thành cho hay.