Xã hội

Gỡ rối quản lý vỉa hè

NGỌC HÀ 14/07/2024 08:01

Câu chuyện cho thuê vỉa hè tiếp tục được nhiều người quan tâm khi mới đây, dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội vừa được hoàn thiện và đang trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

viahe1.jpg
Hà Nội đang tích cực trong việc xây dựng các phương án quản lý vỉa hè. Ảnh: Ngọc Ánh.

Trong khi đó, TPHCM đã thí điểm thu phí vỉa hè đạt hơn 1 tỷ đồng trong 50 ngày ở Quận 1. Về lâu dài, bài toán cho thuê vỉa hè cần đảm bảo cân bằng hài hòa giữa không gian đô thị và lợi ích của người dân, cùng với đó là phương án quản lý phải phù hợp với phát triển kinh tế đô thị.

Bước thí điểm khả quan

Từ nhiều năm nay, câu chuyện quản lý vỉa hè tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... luôn dành được sự quan tâm của cư dân đô thị. Vỉa hè là nơi buôn bán, trông giữ xe, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa hay là nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... đã ăn sâu vào nếp sống và trở thành nơi tạo ra nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình.

Đô thị phát triển cũng đồng nghĩa với việc quản lý các địa điểm công cộng phải chặt chẽ hơn để phát huy đúng giá trị của từng tấc đất vàng trong đô thị. Vỉa hè cũng không nằm ngoài sự quản lý đó nên buộc người dân phải có một cách nhìn mới về việc sử dụng vỉa hè, sao cho vừa tạo ra lợi ích cá nhân vừa góp phần xây dựng đô thị giàu đẹp, văn minh.

Trong thời gian 50 ngày thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè ở Quận 1, TPHCM vừa qua, thành phố đã thu được nhiều kết quả khả quan. Theo UBND Quận 1, trên địa bàn có 133 tuyến đường, trong đó có 52 tuyến hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hoá đã được UBND Quận 1 thông qua.

Theo Nghị quyết số 15 của HĐND, Quận 1 thuộc khu vực 1 với mức phí cho các hoạt động dành cho các tuyến đường trung tâm là 100.000 đồng/m²/tháng và các tuyến còn lại là 50.000 đồng/m²/tháng.

Từ ngày 9/5/2024, qua triển khai thu phí vỉa hè, đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị, số liệu đăng ký và đóng phí sử dụng tạm thời một phần hè phố vào ngân sách nhà nước được ghi nhận 290 trường hợp. Tổng số phí đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố hơn 1 tỷ đồng.

Từ những số liệu thu được, UBND Quận 1 cho rằng, có cơ sở phục vụ việc phân tích các nhu cầu của người dân, xã hội và được người dân ủng hộ việc đóng phí, mức phí theo quy định.

Trên thực tế, người dân cũng đồng thuận việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố do nhu cầu sử dụng dịch vụ tại hè phố của khách du lịch trong và ngoài nước rất cao và thiết thực. Kết quả thu về sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm thu phí vỉa hè, đa phần vỉa hè trên các tuyến đường được thí điểm đều khá thông thoáng. Các cơ sở, hàng quán kinh doanh từ lớn đến nhỏ đều tuân thủ quy định, tách biệt rõ ràng ranh giới dành cho việc buôn bán và đi bộ.

Tại Hà Nội, phương án cho thuê vỉa hè cũng đang được hết sức quan tâm. Tuy nhiên hiện vẫn đang thí điểm ở khu vực nhỏ như quận Hoàn Kiếm - quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 30, 94 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền. Mức phí cho thuê là 45.000 đồng/m2/tháng, thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố mỗi lần là 6 tháng.

Nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài, sau hơn 10 tháng nghiên cứu, mới đây dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội đã được trình UBND Hà Nội xem xét ban hành các quy định để khai thác vỉa hè.

Theo đó, Tổ soạn thảo đề xuất 9 mô hình hè phố được khai thác, sử dụng ngoài mục đích giao thông và đề ra 7 nhóm giải pháp quản lý. Mức phí cho thuê thực hiện theo Nghị quyết số 06/2020 của HĐND thành phố. Phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè để trông giữ ôtô có mức cao nhất 240.000 đồng/m2/tháng tại các tuyến phố cần hạn chế thuộc quận Hoàn Kiếm, mức thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng thuộc thị xã Sơn Tây và các huyện.

Phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè để trông giữ xe máy, xe đạp tại các tuyến phố hạn chế ở Hoàn Kiếm có mức giá 135.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng thuộc thị xã Sơn Tây và các huyện...

Tổ soạn thảo đề xuất thực hiện thí điểm Đề án tại quận Hoàn Kiếm. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả bước đầu, thành phố sẽ tiếp tục xem xét việc thực hiện Đề án tại khu vực đô thị thuộc của các quận, huyện.

Việc Hà Nội và TPHCM đã xây dựng nhiều phương án quản lý vỉa hè cho thấy những nỗ lực đáng hoan nghênh của các cấp, các ngành, của chính quyền địa phương và người dân trong việc nhận thức được tầm quan trọng của việc quy hoạch vỉa hè sao cho phù hợp với sự phát triển của đô thị.

Tuy nhiên không phải quy định nào cũng sát với thực tế, chưa kể đến việc đưa quy định vào cuộc sống cần thời gian để người dân thích nghi, tạo thói quen mới trong việc sử dụng vỉa hè. Vì vậy vẫn cần nhìn kỹ hơn những vấn đề còn tồn đọng trong việc quản lý vỉa hè để tránh xảy ra câu chuyện thay đổi rồi một thời gian sau, vỉa hè lại “đâu vào đó”.

viahe3.jpg
Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân ăn uống trên vỉa hè.

Cần sự đồng bộ quản lý

Có thể thấy ngay rằng, mặc dù tại Quận 1, TPHCM mô hình thu phí vỉa hè đã cho những tín hiệu khả quan, tuy nhiên sau thời gian thí điểm, thành phố muốn áp dụng trên nhiều địa bàn khác nhưng vẫn gặp khó. Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã ban hành 27 văn bản điều hành, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp, thế nhưng tình hình triển khai vẫn rất chậm chạp.

Đến ngày 11/7, Sở Giao thông vận tải TPHCM thông tin rằng, tiến độ thực hiện cho thuê một phần vỉa hè tại một số quận, huyện vẫn còn chậm so với kế hoạch. Theo đó, hiện mới chỉ có 3 quận, huyện ban hành danh mục theo thẩm quyền. Còn 19 quận, huyện chậm trễ ban hành, chưa thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Còn tại Hà Nội, thành phố vẫn đang đi tìm hướng đi phù hợp và chờ đợi kết quả từ việc thí điểm để chốt phương án cho việc quản lý vỉa hè. Nhưng hiện nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng vỉa hè là nơi sử dụng miễn phí cho người dân.

Đã có nhiều người dân phố cổ, nhà rộng chỉ vài mét vuông, thế nhưng họ có thể sinh sống và mưu sinh nhờ vỉa hè qua nhiều thế hệ. Hay những ý kiến khác chỉ ra rằng dù có thu phí vỉa hè thì lòng đường, vỉa hè đều đã bị người dân lấn chiếm để kinh doanh, thậm chí có những tuyến phố lấn hết cả phần vỉa hè cho người đi bộ và lòng đường cho giao thông.

Trên thực tế, câu chuyện vỉa hè Hà Nội khi chưa được đưa vào quản lý đồng bộ đã có nhiều biểu hiện gây mất trật tự đô thị. Công an TP Hà Nội đã nhiều lần thực hiện chiến dịch ra quân nhằm lập lại trật tự đô thị để trả lại lòng đường cho người tham gia giao thông và vỉa hè cho người đi bộ. Song những chiến dịch này chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa".

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội thì trật tự vỉa hè là "cả một vấn đề rất phức tạp". Mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì có cải thiện, sau đó "đâu lại vào đó".

Để giải quyết trật tự vỉa hè, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, phải giải được các câu hỏi bến đỗ xe, tuyến đỗ xe thế nào. Đồng thời, phải giải quyết được bài toán kinh tế của các hộ dân với việc đảm bảo trật tự văn minh đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Trước thực trạng đó của Thủ đô, nhiều ý kiến từ các chuyên gia đô thị cho rằng, việc Hà Nội sớm triển khai cho thuê vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố không chỉ là một giải pháp khả thi mà còn mở ra nhiều triển vọng phát triển cho thành phố.

Đầu tiên, việc cho thuê vỉa hè có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngân sách thành phố. Sau đó là góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng và cải thiện mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhưng muốn thực hiện được việc này, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc thu phí vỉa hè cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ vì thường gắn liền với kiến trúc không gian đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị, từ đó đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè.

Vì vậy cơ quan triển khai đề án cần thực hiện, khảo sát lấy ý kiến người dân chứ không nên tự quyết. Đề án cho thuê lòng đường, hè phố tại Hà Nội có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở một số khu vực, tăng thêm áp lực hạ tầng giao thông đô thị...

Có thể thấy, chuyện thu phí vỉa hè tại các thành phố lớn mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng về lâu dài vẫn cần những quy định chặt chẽ, cụ thể để áp dụng cho từng đối tượng, phù hợp với mục đích sử dụng và mang lại giá trị về mặt kinh tế cho người dân và thành phố.

Để vỉa hè thực sự trở thành địa điểm kinh tế thu hút du khách và thuận tiện cho đời sống người dân, hơn hết vẫn cần sự chỉ đạo đồng bộ của chính quyền và ý thức chấp hành quy định của người dân trên mỗi địa bàn.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: Cho thuê vỉa hè cần đảm bảo lợi ích cho người dân

pgs.ts-bui-thi-an(1).jpg

“Kinh tế vỉa hè” đang là một phần của ngành dịch vụ ở Hà Nội, là kế sinh nhai của không ít người dân.

Vì vậy khi triển khai cho thuê vỉa hè cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán và đoạn nào, khu vực nào không được.

Đặc biệt cần lưu ý về người được thuê vỉa hè. Đây phải là những người thực sự cần nguồn sống từ kinh tế vỉa hè. Vì vậy để tránh những xung đột, hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra, các đơn vị chức năng cần phân cấp cho chính quyền cấp phường, xã tiến hành xác định đối tượng được phép thuê vỉa hè.

Bởi, hơn ai hết, những cán bộ cơ sở mới là người nắm được địa bàn, hoàn cảnh của từng cá nhân để giúp những người thực sự cần vỉa hè làm kế sinh nhai có cơ hội được thuê. Việc làm này cần phải minh bạch, công khai danh tính người thuê để chính người dân giám sát.

Ngoài ra, việc đánh giá kết quả thí điểm cho thuê vỉa hè cũng rất cần thiết. Việc đánh giá có thể theo tháng, theo quý nhưng bắt buộc công khai để người dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội giám sát. Tôi nghĩ với chỉ đạo quyết liệt của thành phố, vỉa hè Hà Nội sẽ sớm đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Quản lý vỉa hè, dù muộn còn hơn không làm

kts-pham-thanh-tung(1).jpeg

Không phải tự nhiên mà có câu “giàu nhà quê không bằng ngồi lê vỉa hè Hà Nội”.

Vì thế, để cho vỉa hè trở lại đúng chức năng của nó một cách lâu dài, bền vững, chính quyền đô thị phải có những giải pháp cần thiết, hữu hiệu giải quyết được bài toán lợi ích của người dân (kiếm sống trên vỉa hè) và lợi ích chung của cộng đồng mà trước hết là người đi bộ, chứ không chỉ là một vài đợt ra quân rầm rộ để “giành lại vỉa hè”.

Việc thành phố Hà Nội tính toán phương án cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh là cần thiết, đúng ra phải được thực hiện từ lâu. Bởi nếu không tính toán cho thuê, thu phí hợp lý thì người dân vẫn lấn chiếm, sẽ tiếp tục lãng phí nguồn tài nguyên chung. Vì vậy dù muộn còn hơn không, thành phố cần đúc rút kinh nghiệm sau khi thí điểm, lưu ý việc này phải thực hiện minh bạch, công khai trên nguyên tắc giữ gìn vỉa hè sinh động, sạch sẽ, và vẫn phải ưu tiên không gian cho người đi bộ.

Cần phải có một khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè trên mỗi đường phố, trước mắt tập trung vào các đường phố ở khu vực trung tâm, nơi có nhiều hoạt động thương mại, văn hóa và du lịch. Đối với các hộ dân, người bán hàng rong, tạo điều kiện để họ đăng ký thuê phần diện tích vỉa hè nếu vị trí đó cho phép để kinh doanh, nhưng tuyệt đối không được xây cất kiến trúc trên vỉa hè. Số tiền thu được từ cho thuê vỉa hè để kinh doanh sẽ là nguồn kinh phí để tu bổ, chỉnh trang vỉa hè và hạ tầng tuyến phố.

Cần có quy định cụ thể việc sử dụng vỉa hè một cách công khai, minh bạch. Không được để vỉa hè trở thành mỏ vàng cho một nhóm người nào đó làm giàu bất chính gây hỗn loạn xã hội. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò tham gia quản lý vỉa hè của cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị xã hội…

Cuối cùng, rất quan trọng, đó là sự nghiêm minh của người thực thi pháp luật và kiểm tra việc thực thi pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rối quản lý vỉa hè