Gốm cổ Kim Lan từng một thời vang bóng, dựa vào những di vật khai quật được ở làng thì nghề gốm ở đây có từ thế kỷ thứ VIII. Trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng chừng như thất truyền, thế rồi gốm cổ Kim Lan lại hồi sinh mạnh mẽ...
Những nốt thăng trầm
Làng gốm Kim Lan nằm bên bờ sông Hồng (thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội), chỉ cách làng Bát Tràng một dòng kênh. Theo lời các cụ cao niên trong làng thì trước kia gốm Kim Lan nức tiếng xa gần, gốm của làng xuất hiện nhiều trên các thị trường gốm sứ trong và ngoài nước. Người trong làng cứ cha truyền, con nối. Thế nhưng, cũng có một thời gian dài gốm Kim Lan bị mai một trước khi có bước trở lại vô cùng ngoạn mục.
“Kim Lan là đất Hàm Rồng/ Có nghề làm gốm đất nung lâu đời”. Cụ Phạm Văn Mui - một nghệ nhân cao tuổi trong làng, đã đọc cho chúng tôi nghe 2 câu thơ mà người dân Kim Lan truyền miệng nhau từ đời này qua đời khác khi bắt đầu kể câu chuyện về nghề làm gốm của làng.
Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng lụa, gấm, châu, ngọc. Năm 2001, khi các nhà khảo cổ khai quật di chỉ Hàm Rồng đã phát hiện một số hiện vật trùng khớp với các sản phẩm hiện trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long. Với nhiều di vật quý, đa dạng, đã chứng minh làng Kim Lan có nghề nung đất từ rất sớm, bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII và phát triển hưng thịnh đến thế kỷ XIII.
Những năm 1990, Kim Lan có khoảng hơn 700 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa. Nhưng đến năm 2010, sản phẩm gốm sứ của làng lại gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường. Cái khó ló cái khôn, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất. Các sản phẩm cũng đa dạng hơn, bên cạnh hàng mỹ nghệ, người làng tập trung sản xuất sản phẩm dân dụng, đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa… bắt kịp với xu hướng của người tiêu dùng.
Và gốm Kim Lan bắt đầu hồi sinh. Cụ Mui kể, từ khi nghề gốm Kim Lan được khôi phục cho đến nay, đời sống của người dân khá dần lên. Sản phẩm gốm ngày càng đa dạng. Trước đây nung bằng than bằng củi, giờ đã chuyển sang nung bằng gas.
Hồi sinh mạnh mẽ
Theo thời gian, với đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, cùng sự hỗ trợ của công nghệ, sản phẩm gốm sứ Kim Lan ngày càng tinh xảo hơn, mẫu mã đa dạng hơn. Hiện với người thợ gốm bình thường, ngày công trung bình đạt 300.000 đồng.
Riêng với các thợ xếp gốm vào lò đòi hỏi kỹ thuật và nặng nhọc, ngày công có thể lên tới hàng triệu đồng.
Năm 2009, gốm Kim Lan được cấp giấy chứng nhận thương hiệu, với logo riêng để các hộ gia đình có thể in trên sản phẩm. Năm 2010, UBND TP Hà Nội công nhận làng gốm Kim Lan là Làng nghề truyền thống. Năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Kim Lan được khánh thành. Bảo tàng nằm liền kề với khuôn viên UBND xã Kim Lan và được khởi dựng từ tình yêu, tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nơi đây hiện đang trưng bày nhiều hiện vật gốm sứ phong phú, có giá trị như: Tấm ngói mũi hài; gạch trang trí hoa văn hình chim phượng; mảnh chậu…
Hiện nay, xã Kim Lan có khoảng gần 400 hộ có lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Đa số hộ dân sản xuất gốm tại Kim Lan đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan, nghệ nhân Đào Việt Bình chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu, sự phát triển của thị trường, những nghệ nhân, chủ lò gốm ở Kim Lan đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo.
“Các sản phẩm của chúng tôi ngày càng đa dạng, phong phú, từ các vật dụng có kích thước nhỏ cho tới những sản phẩm cỡ lớn. Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, các nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như: độc bình, lư, đỉnh, đèn thời với 2 loại men truyền thống là men ngọc và men rạn” - ông Bình cho biết.
Ông Lê Minh Tiến - Bí thư Đảng uỷ xã Kim Lan cho biết, địa phương xác định phát triển làng nghề gốm gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm nên đã có nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là các nghệ nhân và lao động lành nghề, có kỹ thuật. Tăng cường tham gia trưng bày, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm gốm Kim Lan đến người tiêu dùng trong và ngoài nước… Người dân trong xã đa số đều gắn với nghề gốm và luôn mong muốn phát triển nghề gốm cổ. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề gốm Kim Lan” - ông Tiến nhấn mạnh.
Cùng với sự trở lại ngoạn mục, làng gốm Kim Lan đang hướng tới mục tiêu phát triển làng nghề kết hợp với du lịch. Đến thăm làng gốm cổ Kim Lan, ngoài Bảo tàng gốm Lịch sử thì Bảo tàng gốm hiện đại cũng là một điểm nhấn thú vị, là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các hộ sản xuất kinh doanh trong làng với nhiều mặt hàng đa dạng; du khách cũng có cơ hội tham quan trải nghiệm nghề làm gốm thủ công truyền thống cùng những người thợ tài hoa của Kim Lan...