Góp ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự: Truy cứu hình sự pháp nhân

Từ Khôi 04/08/2015 08:30

Xưa nay, để xử lý hình sự, cơ quan chức năng buộc phải cá thể hóa hành vi, bởi chỉ có cá nhân mới có thể đi tù, chứ không có tổ chức đi tù. Thế nhưng, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này đã xuất hiện quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Hàng loạt các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty trong và ngoài nước trên lãnh thổ Việt Nam gây ô nhiễm môi trường trước nay chỉ bị xử lý bằng hình thức phạt vi phạm hành chính. Chỉ bị phạt tiền rồi vẫn tiếp tục tồn tại đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một tăng thêm. Hơn nữa, người dân bị các doanh nghiệp gây ảnh hưởng, khi kiện đòi bồi thường thì phải chứng minh được thiệt hại bao nhiêu, phải lượng hóa được mức độ thiệt hại và thiệt hại đó là do doanh nghiệp gây ra, chứ không phải nguyên nhân khác.

Điều này gây khó khăn cho người dân, bởi phương pháp tính kiểu gì, trên cơ sở nào và ai công nhận? Như vậy, nếu áp dụng Luật Dân sự để xử lý việc này thì vụ việc dây dưa mất rất nhiều thời gian và người bị thiệt hại thường không được bồi thường.

Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, hình phạt mà pháp nhân phải chịu gồm: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.

Chính vì vậy, việc đưa nội dung xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân là điều cần thiết. Hơn nữa, theo bà Lê Thị Hòa (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp), ngoài thực tế về vi phạm của pháp nhân, cũng cần thiết phải đưa nội dung truy cứu hình sự với pháp nhân vào luật để thực hiện những nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo luật sư Lê Việt Hà - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Vinh Đức, nhiều nước đã quy định TNHS của pháp nhân. Nếu chúng ta không quy định thì sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam có thể bị xử lý hình sự khi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài nếu vi phạm pháp luật nước sở tại, song doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở nước ta vi phạm pháp luật lại chỉ bị xử phạt hành chính (luật hiện hành quy định phạt cao nhất là 2 tỷ đồng) hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, ở Dự thảo BLHS mới chỉ truy cứu TNHS pháp nhân kinh tế với các điều kiện: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Khi pháp nhân bị truy cứu TNHS về một tội cụ thể thì cá nhân có liên quan cũng phải chịu TNHS đối với tội đó. Các pháp nhân khác hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân như cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… thì không phải chịu TNHS.

Điều khiến nhiều luật gia và người lao động băn khoăn là sự ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động khi pháp nhân bị truy cứu TNHS. Trong trường hợp một doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động thì phúc lợi của người lao động làm cho doanh nghiệp đó sẽ bị sụt giảm hoặc bị mất trong khi họ không có lỗi gì khi pháp nhân vi phạm pháp luật. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Doanh nghiệp sẽ cho rằng họ lâm vào tình cảnh bất khả kháng, họ không muốn sa thải người lao động nên không chịu trách nhiệm. Đồng thời doanh nghiệp đổ trách nhiệm sang cơ quan tố tụng, vì cơ quan tố tụng tước giấy phép hoạt động, nên doanh nghiệp mới giải tán…

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cần phải rất cẩn trọng với chính sách truy cứu TNHS pháp nhân kinh tế. Một vấn đề khác mà ông Huỳnh cũng đặt ra là khi truy cứu TNHS pháp nhân thì các giao dịch của pháp nhân với các đối tác khác đang tiến hành trong thời điểm đó sẽ được giải quyết ra sao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự: Truy cứu hình sự pháp nhân