Ở tuổi ngoài 85 nhưng GS-NGND Nguyễn Lân Dũng vẫn còn nặng lòng với ngành giáo dục. Vuợt qua căn bệnh hiểm nghèo, hiện hàng ngày, ông vẫn viết sách và cập nhật thông tin thời sự. Trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS Nguyễn Lân Dũng mong muốn tình trạng thiếu giáo viên cần phải sớm được khắc phục, vì thiếu giáo viên thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy.
PV: Thưa giáo sư, xin hỏi, ở thời điểm này, câu chuyện giáo dục nào khiến ông quan tâm nhất?
GS NGUYỄN LÂN DŨNG: Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã ghi rõ cần “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.
Lúc này, tôi quan tâm nhất đến chất lượng đội ngũ thầy cô giáo. Thế hệ chúng tôi học phổ thông trong thời kỳ chống Pháp, sách giáo khoa chẳng có nhưng được học với những thầy giáo thật giỏi giang (Hoàng Tụy, Trần Văn Khang, Hoàng Như Mai, Lê Bá Thảo…) nên chúng tôi sau này đã có những cống hiến xứng đáng. Hiện nay mặc dù sách giáo khoa còn chưa được ưng ý nhưng nếu đội ngũ giáo viên giỏi giang và yêu nghề thì chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi đã kiến nghị với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật VUSTA với mong muốn các Hội Khoa học chuyên ngành cử ra các giáo sư giỏi giang, tâm huyết viết ra các sách tham khảo cho giáo viên (như Hội Sinh học đã làm) với nội dung như sách giáo khoa nhưng sâu hơn và hay hơn thì chắc chắn sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc phổ thông. Với học sinh THPT nên có các buổi nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ rất thiết thực cho các em và làm cho các em thay đổi ý thức học tập.
Chất lượng giáo viên mới đây cũng đã được nhắc tới nhiều, khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bắt đầu chương trình làm việc với các địa phương (từ ngày 9/3 đến 6/4/2023). Việc thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng ở các môn học mới (môn Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT). Năm học 2022 - 2023 đã chứng kiến các địa phương phải "giật gấu vá vai" tìm mọi cách xoay xở về giáo viên để dạy tiếng Anh, Tin học cho lớp 3 như điều động giáo viên dạy liên trường, giáo viên cấp THCS xuống dạy tiểu học, "biệt phái" giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược, thậm chí phải nhờ sự "ứng cứu" của các cơ sở giáo dục ở tỉnh, thành khác… Ông bình luận gì về câu chuyện này?
- Thiếu giáo viên thì làm sao hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy. Câu chuyện này đâu có thể do các trường tự giải quyết. Tôi thấy Bộ GDĐT và Chính phủ đã nắm được tình trạng này và đang có phương hướng chỉ đạo để giải quyết. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GDĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Đặc biệt, để giải quyết khó khăn cho ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Bên cạnh thiếu giáo viên thì câu chuyện sách giáo khoa cũng được nhắc tới, và tiếp tục khiến dư luận băn khoăn. Sách giáo khoa được biên soạn dù qua khá nhiều hội đồng nhưng vẫn còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay, một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh. Có đại biểu quốc hội gần đây cũng đặt vấn đề về sự lãng phí sách giáo khoa? Thậm chí có người còn đặt băn khoăn liệu có vụ “Việt Á” trong lĩnh vực sách giáo khoa? Ý kiến của ông thì sao?
- Theo tôi, sách giáo khoa cần sớm hoàn chỉnh để có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí tiền bạc của các gia đình. Chuyện này đâu có quá khó trong thời hội nhập hiện nay. Chúng ta có thể tham khảo sách giáo khoa của các nước có giáo dục phát triển (trừ một số nội dung thuộc Văn, Sử, Địa) và huy động các thầy giáo giỏi trong cả nước tham gia vào công việc quan trọng này. Không thể kinh doanh sách giáo khoa như một số tiêu cực đã bị phát hiện trong thời gian vừa qua. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất câu chuyện về sách giáo khoa sẽ được thay đổi một cách khả quan nhất.
Một câu chuyện khác, không còn mới nhưng gần đây lại được nhiều người bàn luận. Đó là có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi vào lớp 10, thay vào đó là hình thức xét tuyển. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Bỏ thi tuyển lớp 10 sẽ làm giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng và cắt giảm tốn kém. Đây là việc làm hợp lý, được học sinh, phụ huynh đồng tình. Mặt khác, bỏ kỳ thi này đồng nghĩa với việc dạy thêm, học thêm sẽ ít đi, giảm bớt học sinh đỡ phải áp lực từ chuyện học thêm tràn lan như hiện nay. Không tổ chức kỳ thi này cũng sẽ tiết kiệm được khá nhiều công sức, chi phí, nguồn lực cho xã hội. Tuy nhiên do địa phương tổ chức, từ khâu ra đề, chấm và công nhận kết quả nên việc kiểm tra, giám sát cần chặt chẽ, nghiêm túc để tránh các tiêu cực, không công bằng.
Thưa giáo sư, gần đây, nhiều người bàn luận về ứng dụng ChatGPT. Có ý kiến cho rằng, ứng dụng này sẽ khiến ngành giáo dục phải thay đổi, đặc biệt là giáo viên phải thay đổi?
- ChatGPT là là một AI (trí thông minh nhân tạo) hỗ trợ bạn trong việc tạo ra các cuộc trò chuyện tự động và trả lời câu hỏi về đa dạng các chủ đề, lĩnh vực khác nhau. ChatGPT tham gia tất các công việc sáng tạo, nghệ thuật như làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là tạo lập hay sửa lỗi trong lập trình. Như vậy sử dụng ChatGPT chắc chắn tốt hơn rõ rệt so với tra cứu trên Google. Vì ChatGPT đang trong giai đoạn dùng thử để có thể có những đánh giá khách quan hơn về công cụ ngôn ngữ này, cũng như những phản hồi về trải nghiệm của người dùng, cho nên hiện tại Chat GPT hoàn toàn miễn phí. Giáo viên cần am hiểu về ChatGPT thì mới có thể hướng dẫn cho đông đảo học sinh sử dụng.
Ông có lo ngại ứng dụng ChatGPT sẽ khiến học sinh lười đi, thụ động hơn?
- Đúng là dùng ChatGPT tạo ra sự khác biệt đó chính là ứng dụng đưa ra một kết quả, đồng nghĩa với việc nó đang làm thay con người trong việc chắt lọc thông tin, sắp xếp, phân tích một cách hợp lý hơn. Nhưng khi có công cụ giúp có thể giải quyết nhiều bài tập mà không phải suy nghĩ nhiều, các em sẽ sử dụng tối đa. Điều đó thật nguy hiểm, vì học sinh sẽ mất đi động lực học tập để thu thập thực sự kiến thức cho mình. Vì vậy, khi kiểm tra trên lớp học sinh không được sử dụng điện thoại, các em này sẽ không thể trả lời được vì quen ỷ lại vào ChatGPT. Vì vậy thầy cô giáo cần làm rõ ý nghĩa của ChatGPT và nhắc nhở học sinh không được quên nhiệm vụ học tập, rèn luyện của bản thân mình trong kỷ nguyên số của thời đại.
Vậy cần nhìn nhận ứng dụng trí tuệ nhân tạo này như thế nào, thưa giáo sư?
- ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Thầy cô giáo cần trang bị cho học sinh các kỹ năng sử dụng các công cụ AI một cách có trách nhiệm. Học sinh cũng cần được trang bị kiến thức về cách thức mà các công cụ AI làm việc, để có đủ khả năng đánh giá và phân tích về các kết quả có được từ các công cụ đó, bởi chúng đôi khi có thể không chính xác hoặc sai lệch. Ngoài ra người dùng cần lưu ý để không tải về các ứng dụng mạo danh có nguy cơ chứa phần mềm độc hại.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!
Hiện nay mặc dù sách giáo khoa còn chưa được ưng ý nhưng nếu đội ngũ giáo viên giỏi giang và yêu nghề thì chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi đã kiến nghị với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật VUSTA với mong muốn các Hội Khoa học chuyên ngành cử ra các giáo sư giỏi giang, tâm huyết viết ra các sách tham khảo cho giáo viên (như Hội Sinh học đã làm) với nội dung như sách giáo khoa nhưng sâu hơn và hay hơn thì chắc chắn sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc phổ thông. Với học sinh THPT nên có các buổi nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ rất thiết thực cho các em và làm cho các em thay đổi ý thức học tập.