Gừng cay muối mặn...

Nam Việt 18/08/2023 07:42

Những ngày này, thông tin mỗi năm nước ta phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu muối rất được dư luận quan tâm. Giải thích, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, điều đó nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực hiện cơ chế thị trường, giống như ngành than có tiềm năng nhưng vẫn phải nhập khẩu. Vậy, nên hiểu điều đó như thế nào?

Với đường bờ biển dài, hiện cả nước có 19 tỉnh sản xuất muối trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó đã hình thành được vùng sản xuất muối công nghiệp tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Con số từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, cả nước có 21.000 hộ liên quan tới nghề muối. Nhu cầu sử dụng muối của Việt Nam khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn/năm, tuy nhiên mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD.

Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nói, ông cảm thấy rất đau lòng khi phải nhập khẩu muối. “Một đất nước có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của người dân làm muối như thế này mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng”- ông Trí bày tỏ.

Thực tế thì nhiều năm qua, nghề làm muối không đem tới cuộc sống ấm no cho diêm dân. Làm muối là nghề hết sức cực nhọc. Ngày nắng chang chang thì phải còng lưng trên các ô muối vì nếu mưa, nước nhạt, muối không thể kết tủa. Bất cứ bàn tay, bàn chân của diêm dân nào cũng đều trầy xước cho dù có đeo găng tay bảo hộ và đi ủng cao su đi chăng nữa. Trong khi giá muối lại quá thấp.

Dịp cuối tháng 6 năm nay, diêm dân ở Hòn Khói (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) rộn rã niềm vui vì muối được giá. Nhưng giá là bao nhiêu? Với giá bán phổ biến 1.500 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, 1ha muối mang lại thu nhập cho diêm dân Hòn Khói hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhưng, với giá “vui” đó, tính ra 100kg muối cũng chỉ mua được 1kg thịt heo. Một hộ làm muối (ít nhất cũng là 2 người) tính trung bình cũng chỉ được 8,5 triệu đồng/tháng (với diện tích sản xuất 1ha). Đó là lúc được mùa được giá, còn những lúc giá muối rớt xuống dưới 1.000 đồng/kg thì đời sống diêm dân có thể nói là gieo neo.

Vì thế, nhiều người đã bỏ nghề muối, rời làng quê tìm kế mưu sinh ở nơi khác. Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích sản xuất muối tại Việt Nam vẫn liên tục giảm qua từng năm: năm 2017 đạt 13.158ha; năm 2018 còn 13.074ha; năm 2019 còn 12.494ha; năm 2021 là 11.393ha và năm 2022 chỉ còn 11.009 ha.

Đã có nhiều chủ trương về quy hoạch, nhiều giải pháp nhằm tăng sản lượng muối. Nhưng vẫn không giải quyết được triệt để. Diện tích sản xuất muối tiếp tục thu hẹp, đời sống diêm dân vẫn không được cải thiện. Như vậy, phải tìm biện pháp, giải pháp khác nếu không tình hình sẽ vẫn không thay đổi. Giá muối đã thấp lại thất thường thì diêm dân sẽ vẫn khổ. Họ cần được hỗ trợ bằng những chính sách rất cụ thể, thiết thực để có thể yên tâm 7 tháng trong 1 năm ra những ô ruộng nước mặn giữa trời nắng chang chang.

Nhân đây cũng xin nói thêm một câu chuyện, đó là vào tháng 12/2020, nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với bề dày hơn trăm năm, nghề làm muối đã trở thành văn hóa của vùng đất Bạc Liêu, là tinh hoa nghề được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại Bạc Liêu, nghề làm muối tập trung chủ yếu tại 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình, diện tích khoảng 1.360ha với gần 900 hộ diêm dân.

Như vậy, nghề làm muối, hạt muối được vinh danh.

Chưa hết, tháng 2 năm nay, nghề làm muối ớt Tây Ninh cũng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được biết, ở tỉnh này có 37 cơ sở đăng ký thương hiệu làm nghề muối ớt, ở các nơi như TP Tây Ninh, huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành và rải rác ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu… Nghề làm muối ớt đã vinh dự sánh ngang với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ở Tây Ninh.

Muối giá trị là vậy, “gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”. Mỗi hạt muối là một giọt mồ hôi. Hạt muối đã nuôi sống rất nhiều hộ diêm dân hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đất nước có nhiều điều kiện để sản xuất muối, nhưng đời sống diêm dân vẫn vất vả và kỳ lạ là vẫn phải nhập khẩu đến 600.000 tấn/năm. Một lần nữa xin mượn ý kiến của ĐBQH Nguyễn Anh Trí để nói rằng, điều đó khiến chúng ta cảm thấy đau lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gừng cay muối mặn...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO