Đề án xây dựng 87 trạm thu phí, tại 68 vị trí với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác. Như vậy, các phương tiện di chuyển qua trạm thu phí phải đóng bao nhiêu tiền?
Đầu tư theo 3 giai đoạn
Hiện nay, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó ô tô là 0,6 triệu xe, xe máy là 5,6 triệu xe. Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030, Thủ đô sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, nhưng do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Đề án xây dựng 87 trạm thu phí có 3 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1 (2021-2025): giai đoạn thí điểm, xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn dễ có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường với mức đầu tư khoảng 456 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (2025-2030): Với mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng nhằm khép dần vành đai thu phí khu vực nội thành hiện hữu...
Giai đoạn hoàn chỉnh (sau 2030): Với mức đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí để khép kín hoàn toàn vành đai thu phí.
Tổng mức đầu tư cho 87 trạm thu phí, tại 68 vị trí, với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.
Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố đầu tư và hình thức đối tác công tư theo luật PPP. Phương án thu phí sử dụng công nghệ thu phí không dừng, là kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm).
Mức phí cụ thể như thế nào?
Do chưa có phương án về hình thức đầu tư cụ thể, cũng như sự biến động về tỷ giá tương lai nên mức phí cuối để UBND thành phố xem xét ra quyết định sẽ được tính toán ở bước nghiên cứu khả thi lập dự án đầu tư hệ thống thu phí.
Trong Đề án này chỉ xác định một mức phí tối thiểu với mục tiêu phi lợi nhuận chỉ đủ bù đắp một phần chi phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo trì hệ thống thu phí; mức phí cao vừa đủ để tác động đến hành vi tham gia giao thông và đem lại hiệu quả giảm ùn tắc hợp lý. Mức phí này được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc thu phí.
Mức phí đề xuất cho xe ô tô con (là đối tượng chính của đề án thu phí) phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Mức phí phải cao hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân để có tác dụng điều tiết hành vi sử dụng phương tiện ô tô trong đi lại hàng ngày.
Mức phí phải đủ cao khiến cho người sử dụng xe ô tô cá nhân phải cân nhắc trước khi lựa chọn phương tiện cho chuyến đi đến các khu vực có khả năng gây ùn tắc, đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đề ra.
Kết quả khảo sát, mức sẵn sàng chi trả của lái xe và người dân đi lại bằng xe ô tô con là 22.500 đ/lượt. Các kết quả về giảm lưu lượng giao thông và tổng tiền phí thu được dự báo lần lượt theo các mức phí từ thấp đến cao trong khoảng 25.000 đồng - 60.000 đồng/lượt nhằm xác định mức phí hợp lý.
Theo đơn vị tư vấn, dự kiến giờ cao điểm mức thu phí vào nội đô sẽ là 50.000 đồng/lượt đối với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Việc thu phí sẽ giúp lưu lượng giao thông trên các trục đường chính giảm từ 8 - 30%, trung bình khoảng 12 - 18%.
Các phương tiện được giảm phí gồm xe ô tô kinh doanh vận tải (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại), xe ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường.
Đối tượng miễn phí là xe ưu tiên theo quy định hiện hành bao gồm: Xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội, xe công vụ, xe buýt công cộng...
Mục tiêu chính yếu của việc thu phí là giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và cũng là lý do để mức phí thay đổi theo thời gian trong ngày (tăng trong giờ cao điểm). Tuy chưa có phân tích cho việc thu phí vào ngày nghỉ, ngày lễ, qua theo dõi thực tế, đề xuất không thu phí vào các ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ, vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn vào các ngày làm việc, tạo thêm sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đề án.
Phương án sử dụng phí
Căn cứ khoảng mức phí đề xuất nói trên, trong Đề án này tạm thời xác định tổng tiền phí thu hàng năm trên cơ sở mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại.
Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2.1 đạt khoảng 1.175 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2.2 đạt khoảng 1.326 tỷ đồng/năm.
Trên các nguyên tắc đặt ra cho mức thu phí đã nêu ở trên, phí thu phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào, là một khoản thu mà người sử dụng xe ô tô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong một khoảng thời gian quy định nhằm thay đổi hành vi tham gia giao thông, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Kinh phí thu được từ phí được sử dụng cho các mục đích sau đây (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên):
Bù đắp chi phí vận hành & bảo trì (chi phí O&M) hàng năm để duy trì hoạt động của hệ thống thu phí. Trong trường hợp phí thu được không đủ bù chi phí, UBND thành phố sẽ bố trí ngân sách bổ sung, đảm bảo cho hoạt động thu phí.
Bù đắp chi phí đầu tư hệ thống thu phí cho đến khi hoàn vốn đầu tư xây dựng.
Sau khi bù đủ cho chi phí O&M và chi phí đầu tư xây dựng, trường hợp còn dư, sẽ nộp vào ngân sách Thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông hướng tới giao thông xanh của thành phố.
Như vậy, nếu đề án thu phí này được thực hiện, xe ô tô sẽ thay đổi hành vi sử dụng phương tiện giao thông và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển đổi từ xe ô tô sang các phương tiện thân thiện hơn như vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), xe đạp; giảm được các chuyến đi không cần thiết bằng xe ô tô con vào khu vực trung tâm TP.
Đề án cũng tính toán việc thu phí dự kiến sẽ giảm được khoảng 356.600 tấn CO2 năm trên địa bàn thành phố.
Thu phí góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại của người dân và tăng hiệu quả khai thác các phương thức VTHKCC.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi phương thức đi lại từ xe cá nhân sang VTHKCC góp phần tăng lượng hành khách cho VTHKCC, giảm dần kinh phí trợ giá, tiến tới phát triển bền vững hệ thống giao thông công cộng.
Việc thay đổi hành vi tham gia giao thông theo hướng tích cực, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển đô thị bền vững.