Hà Nội: Đề xuất thu 1.900 đồng/km phí sử dụng đường Vành đai 4

Lê Khánh 25/09/2023 09:42

Theo UBND TP Hà Nội tính riêng 112,8 km trên tuyến đường Vành đai 4, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng.

Mỗi năm ngân sách nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng tiền bảo trì

UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo bổ sung với HĐND thành phố về việc ý kiến tác động thực hiện Dự án thành phần 3 (PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau khi Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định đánh giá tính khả thi khi triển khai theo hình thức PPP, dự án thành phần 3 được phê duyệt, việc lựa chọn Nhà đầu tư dự án thành phần 3 phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, trong trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP sẽ có một số lợi thế so với hình thức khác.

Bản đồ hướng tuyến của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Nếu áp dụng hình thức này, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, sẽ huy động được nguồn lực từ xã hội, giảm áp lực vốn ngân sách Nhà nước đối với công trình có quy mô lớn như Dự án thành phần 3. Bên cạnh đó còn giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

Theo tính toán, chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc hiện nay trung bình khoảng 3 tỷ đồng/km/năm. Chỉ tính riêng 112,8 km trên tuyến đường Vành đai 4, mỗi năm ngân sách nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng. Đặc biệt, số tiền này chưa bao gồm các chi phí để thành lập, duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

Bên cạnh đó, đây là dự án đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ, thu phí theo chiều dài sử dụng để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.

Vì vậy, khung phí sử dụng dịch vụ đường bộ của Dự án tham chiếu áp dụng theo khung giá vé của dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thực hợp đồng BOT đã được Bộ GTVT phê duyệt.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km) và tuyến nối (dài 9,7 km).

Với thời gian dự kiến đưa vào khai thác năm 2027, mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/xe/km (dưới 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn).

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần với mức giá vé tính cho xe tiêu chuẩn, phù hợp theo khung giá được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính theo khung giá này sẽ đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận cho Nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Mặc khác, mức thu phí này phù hợp với sức chi trả của người sử dụng phương tiện.

Thiết kế 5 nút liên thông hoàn chỉnh

UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, sẽ thiết kế 5 nút liên thông hoàn chỉnh bao gồm Nội Bài – Lào Cai; trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; Ngọc Hồi – Phú Xuyên.

Cùng đó, xây dựng 3 nút giao quy hoạch (Quốc lộ 32; Hồ Tây – Ba Vì; Ngọc Hồi – Phú Xuyên) đồng thời , có giải pháp thiết kế bố trí các làn tách, nhập vào đường cao tốc cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện.

Về quy mô các cầu lớn qua sông (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng), hồ sơ thiết kế báo cáo NCTKT đã điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang các cầu từ 17,5m lên 24,5m để bố trí đủ cho 4 làn xe cơ giới và mỗi bên 1 làn xe máy, xe thô sơ lưu thông, đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông, phù hợp tổng thể dự án.

Sau khi thi công giai đoạn 2 với cầu có mặt cắt ngang tương tự thì mỗi bên sẽ bố trí được 2 làn xe cơ giới riêng biệt cho kết nối đường đô thị.

Do đó, thành phố sẽ không phải đầu tư thêm 2 cầu vượt sông cho đường đô thị, giúp tiết kiệm chi phí và không ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án PPP đã duyệt.

“Giải pháp thiết kế nêu trên đã xem xét đến tình kiến trúc, mỹ quan công trình và đủ điều kiện để có thể khai thac sử dụng gầm cầu phục vụ giao thông đô thị. Hội đồng thẩm định Nhà nước tiếp tục xem xét xác định phương án thiết kế đảm bảo phù hợp quy hoạch, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành của pháp luật, cũng như tạo điều kiện phát triển ở hiện tại và trong tương lai cho Vùng Thủ đô nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng”, Báo cáo của UBND thành phố nêu.

Bên cạnh phương án tài chính, Báo cáo của UBND thành phố cũng cho biết qua khảo sát các mỏ vật liệu, đến nay trữ lượng có thể đáp ứng nhu cầu theo tiến độ dự án.

Theo đó, thành phố xác định được 17 mỏ đất với tổng trữ lượng khoảng 57,24 triệu m3. 32 mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 75,55 triệu m3 trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần.

Cụ thể, Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 13.362 tỷ đồng. Để thực hiện Dự án thành phần 1.1 sẽ tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín) của thành phố Hà Nội. Tổng diện tích thu hồi là 798,043 ha, bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi Dự án.

Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận thành phố Hà Nội: Tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2 km; quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) B=12m, mặt cắt ngang cầu B=15,5m. Các hạng mục chủ yếu của dự án: Nền, mặt đường, cầu, thoát nước, chiếu sáng, an toàn giao thông.

Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 113,52 km (Hà Nội: 57,95 km, Hưng Yên: 19,31 km, Bắc Ninh: 36,26 km (26,56 km đường Vành đai 4 và tuyến nối 9,7 km). Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (từ 17,0 m đến 17,5 m).

Riêng mặt cắt ngang các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống (cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng) bề rộng là 24,5 m. Bố trí 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục Đại lộ Thăng Long; nút giao Quốc lộ 6; nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long), hoàn thiện nút giao Tây Nam, thành phố Bắc Ninh và các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả. UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 4 Dự án thành phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Đề xuất thu 1.900 đồng/km phí sử dụng đường Vành đai 4

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO