Nếu người dân cứ thoải mái ra đường chỉ để "cho vui một chút" thì dịch bệnh có thể bùng lên và những ngày "bình thường mới" còn rất xa.
Tối qua, 21/9 (15/8), bạn đọc cả nước chứng kiến khung cảnh “kinh hoàng” xảy ra ở Hà Nội: Một biển người dồn về Trung tâm thành phố cũng như các khu vực công cộng để… đón Tết Trung thu.
Dịp Trung thu năm nay đúng với thời điểm Hà Nội vừa nới lỏng các quy định phòng chống dịch, không còn phân vùng, không kiểm soát giấy đi đường, vì vậy người dân đã ra đường… thoải mái.
Các ngả đường về Hồ Gươm dày đặc người, có thời điểm tắc cứng. Phường Hàng Mã, thậm chí còn phải “đóng cửa” phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), không cho người dân vào đi bộ, tham quan mua sắm để tránh việc người dân tụ tập đông người.
Trả lời báo chí, một nữ công dân Thủ đô cho biết vì gần 2 tháng nay phải ở trong nhà, nên bản thân chị và các thành viên trong gia đình muốn ra đường để cảm nhận chút không khí, đặc biệt trong đêm Trung thu.
"Cảm nhận không khí Trung thu" là một nhu cầu chính đáng. Nhưng trong khi dịch Covid-19 vẫn còn là nguy hiểm tiềm tàng thì không khí Trung thu rất nhanh có thể chuyển thành môi trường lây lan dịch bệnh.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại khu vực phía Nam, chúng ta đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc Covid-19.
Lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Delta diễn ra nhanh, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết nguyên nhân chính nằm ở tỉ trọng của biến chủng Delta. Biến thể này là có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh.
Những thông tin này rất đáng lo ngại khi chúng ta có một biển người hớn hở “kề vai sát cánh” trong khoảng thời gian tương đối dài. Dại mồm, nhỡ trong đó có một F0?
Có lẽ 2 tháng giãn cách đã khiến nhiều người dân Hà Nội quên bài học nhãn tiền dịp lễ 30-4, 1-5. Trong 4 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các địa danh du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, đâu đâu cũng xuất hiện cảnh xe và người ùn ùn chen lấn. Nhiều người đi du lịch, nhiều công nhân các khu công nghiệp tập trung đông lao động về quê. Và sau đó, như nhiều người biết, dịch đã bùng lên đặc biệt tại một số tỉnh phía Nam mà đến nay hơn 4 tháng trời vẫn chưa thể “bình thường mới”.
Những hình ảnh người dân Thủ đô đổ ra đường ăn mừng trái ngược với không khí tại các bệnh viện dã chiến, nơi những “chiến sĩ” áo trắng đang ngày đên giành giật sự sống cho bệnh nhân đến kiệt sức.
Nói như vậy nhưng phê bình người dân một thì cũng nên xem lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Chỉ thị số 22/CT-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành tối 20/9 nhấn mạnh: Mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Công an thành phố “duy trì các chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”, kiểm soát chặt di biến động người dân; phối hợp với lực lượng chức năng khác kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn”.
Như vậy, hôm qua, các lực lượng chức năng đã “bỏ trống địa bàn” để người dân ùa ra đường, không "thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng” như tinh thần Chỉ thị 22.
Không chỉ tối qua, ngày 21/9, ngày đầu tiên Hà Nội “nới lỏng” các biện pháp cũng xuất hiện nhiều thanh thiếu niên “ra đường cho vui”. Việc bãi bỏ giấy đi đường có vẻ đã tạo ra sự chủ quan, coi thường pháp luật của nhiều người dân Hà Nội.
Chỉ thị 22 tuy có điều chỉnh một số biện pháp phòng dịch “cứng” nhưng vẫn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tại Hà Nội chỉ làm việc theo nguyên tắc 50-50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà) nhưng Chỉ thị không nêu ra các biện pháp cụ thể nhằm giám sát yêu cầu này. Thêm nữa, những người không làm tại các cơ quan, đơn vị, thanh thiếu niên chưa đi làm có được ra đường thoải mái hay không?
Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại các biện pháp chống dịch để không quá cứng nhắc cũng không lỏng lẻo.
Với tình trạng người dân ra đường chỉ để “chơi một lúc” hay “hưởng không khí” thì chính quyền Hà Nội nên có những biện pháp “mạnh tay” hơn kể cả việc dựng lại chốt kiểm soát hay tái xác lập giấy đi đường.
Còn bây giờ, chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho mọi việc tốt đẹp và không có đợt dịch mới xảy ra tại Hà Nội. Nếu không những ngày “bình thường mới” sẽ còn rất xa.