Hà Nội: Nóng chuyện xét tuyển học sinh đầu cấp

Phương Linh 08/06/2017 08:05

Hà Nội đang chuẩn bị bước vào đợt tuyển sinh đầu cấp. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đã không còn tổ chức thi tuyển vào lớp 1 và lớp 6 như nhiều năm trước. Tuy nhiên tình trạng xét tuyển này gây ra nhiều lo ngại về việc chạy giải thưởng để được ưu tiên trong xét tuyển.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho rằng: Khi Bộ có chỉ đạo không thi đầu cấp Tiểu học, THCS (lớp 1, lớp 6) thì Sở không bao giờ tiến hành các kỳ thi. Còn trong các phương án, phương án nào cũng có cái hay, cái dở; phải biết khắc phục cái dở để lựa chọn được học sinh.

Phụ huynh lấy đơn xét tuyển vào Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Học sinh xuất sắc mới hi vọng vào trường THPT Hà Nội - Amsterdam

Cách đây 2 năm, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường Tiểu học, THCS không được tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp (lớp 1 và lớp 6), Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) đã thay kỳ thi bằng một cuộc khảo sát năng lực bằng tiếng Anh.

Trong khi đó, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức xét tuyển với thước đo là kết quả học tập, rèn luyện của học sinh 5 năm tiểu học và giải thưởng tại một số kỳ thi cấp Sở và cấp Bộ. Việc xét tuyển của nhà trường năm nào cũng hết sức khó khăn do có đông hồ sơ của thí sinh, mà hồ sơ nào cũng giỏi.

Theo công bố từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: Năm học 2017 - 2018, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ tuyển 200 chỉ tiêu bằng hình thức xét tuyển.

Đối tượng tuyển sinh là học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc có bố, mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hoàn thành chương trình tiểu học và đủ các điều kiện sau: đạt học lực giỏi từ lớp 1, 2; hoàn thành các môn học lớp 3, 4, 5 và được đánh giá là “học sinh xuất sắc”; Các năm học từ lớp 1 đến lớp 5, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn Tiếng Việt và Toán phải đạt 19 điểm trở lên.

Ngoài ra, hạnh kiểm học sinh từ lớp 1 đến lớp 2 phải đạt thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của học sinh tiểu học; lớp 3, 4 và 5 phần đánh giá năng lực và phẩm chất phải được đánh giá đạt.

Căn cứ xét tuyển dựa vào kết quả học tập của từng năm học: điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học và điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 4, 5 môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý; Điểm ưu tiên (dành cho diện chính sách); Điểm khuyến khích dành cho những học sinh được tặng bằng khen cấp TP, Bộ GD&ĐT, Nhà nước và những học sinh đạt thành tích cá nhân và đồng đội theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về thông tin các cuộc thi, olympic dành cho học sinh phổ thông.

Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm học tập từ lớp 1 đến lớp 5 và điểm ưu tiên và điểm khuyến khích; Các loại giải thưởng nhận huy chương được tính tương đương như sau: Vàng (Nhất), Bạc (Nhì), Đồng (Ba). Học sinh đạt nhiều giải thưởng trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm áp dụng cho loại giải thưởng cao nhất.

Học sinh trúng tuyển là những học sinh đạt điểm xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu được giao. Trong trường hợp học sinh đạt điểm xét tuyển trùng nhau vượt chỉ tiêu thì hội đồng tuyển sinh sẽ xét tổng điểm khuyến khích của toàn bộ các giải thưởng cá nhân học sinh đạt được từ lớp 1 đến lớp 5 và xếp thứ tự từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Nhìn vào bảng yêu cầu xét tuyển trên, và thực tế vài năm gần đây các trường tổ chức xét tuyển, không ít người đã đặt ra câu hỏi liệu có xảy ra tiêu cực trong chạy giải thưởng để xét tiêu chí phụ không.

Bởi thực tế, trong các kỳ thi mà thí sinh dùng để xét tuyển, có hiện tượng học sinh lập đến hàng chục tài khoản để thi, để luyện bằng được giải. Đó còn chưa nói đến các biểu hiện tiêu cực khác.

Có nên thay bằng đề án tuyển sinh riêng?

Để tránh những khó khăn trong xét tuyển hoặc tiêu cực cũng đã có nhiều người đề xuất nên cho các trường THCS đặc thù được tự chủ tuyển sinh, miễn là các trường có đề án trình lên và Sở duyệt, ví dụ như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã thực hiện.

Về điều này, ông Đại khẳng định: Sở GD&ĐT phải thực hiện theo chỉ đạo của Bộ. Khi Bộ có chỉ đạo không thi đầu cấp Tiểu học, THCS (lớp 1, lớp 6) thì Sở không bao giờ tiến hành các kỳ thi. Còn trong tất cả các phương án, phương án nào cũng có cái hay, cái dở. Chúng ta phải biết khắc phục cái dở để lựa chọn được học sinh.

Từ đầu tháng 9/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành các cuộc thi mà Sở đứng ra tổ chức, Bộ đứng ra tổ chức để cộng điểm khuyến khích cho học sinh khi muốn xét vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hay các trường đặc thù khác. Do vậy những kỳ thi mà dư luận nói ở chỗ nọ chỗ kia thì chưa chắc đã được cộng.

“Tôi nghĩ đối với các phương án xét tuyển, phải có cơ sở để chọn, có thước để đo. Thước đo là học lực cộng với những gì vượt trội của học sinh. Thi đã không thi, quy ra điểm dựa trên điểm học các năm thì số lượng học sinh muốn vào các trường đặc thù nhiều hơn chỉ tiêu được giao. Do vậy cần có thang khác. Hiện tại chúng tôi mới nghĩ được cái thang đó thôi và chúng tôi cũng nghĩ đó là cái thang có cơ sở khoa học nhất trong thời điểm này. Rất mong phụ huynh có đóng góp ý kiến để chúng tôi tiếp thu”- ông Đại chia sẻ.

Về việc có nhiều ý kiến cho rằng vì xảy ra tiêu cực trong xét tuyển nên học sinh vào trường có điểm số rất cao, giải thưởng rất nhiều, nhưng lại phải học lại kiến thức cơ bản của tiểu học, gây vất vả trong quá trình dạy học, ông Đại trao đổi: Lật ngược lại, nếu để cho các trường tổ chức thi thì học sinh lại ôn luyện từ tiểu học tại các trung tâm. Vô hình trung tạo ra gánh nặng học thêm dạy thêm cho xã hội và các gia đình?

“Quan điểm của tôi là khi làm lãnh đạo cấp dưới thì phải tuân lệnh sự chỉ đạo của cấp trên. Cấp trên chỉ đạo như thế thì chúng ta phải làm. Đó là quy định mà Bộ yêu cầu đối với các trường và các Sở thì cấp dưới tìm cách tốt nhất để thực hiện yêu cầu đó”- ông Đại nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Nóng chuyện xét tuyển học sinh đầu cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO