Mặt trận

Hà Nội: Phản biện tăng khoản thu đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông công lập

Nguyễn Phượng 13/03/2024 15:20

Ngày 13/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

z5244713465332_3f521b9d7bfb7eea8cc6c6cb1244fa84.jpg
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Trình bày tờ trình về Dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nêu bật sự cần thiết ban hành nghị quyết để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển hiện nay.

Bởi từ năm 2013 các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục (thu khác) theo quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND. Đến nay, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về thẩm quyền danh mục, mức thu đối với khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên do chưa có văn bản thay thế Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, quy định mức trần các khoản thu dịch vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thành phố cụ thể như: Dịch vụ bán trú: Tiền ăn của học sinh sẽ tăng lên 35 nghìn đồng/ học sinh/ngày đối với bữa trưa, 20 nghìn đồng/học sinh/ ngày đối với bữa sáng; Dịch vụ chăm sóc bán trú tăng lên 235 nghìn đồng/ học sinh/tháng; Trang thiết bị bán trú tăng lên: 200 nghìn đồng/học sinh mầm non/năm học, 133 nghìn đồng/học sinh tiểu học, trung học cơ sở/năm học. Dịch vụ học 2 buổi/ ngày đối với cấp trung học cơ sở là 235 nghìn đồng/ học sinh; nước uống 16 nghìn đồng/học sinh/tháng. Ngoài ra còn có các quy định dịch vụ giáo dục ngoài giờ. Trong đó, chăm sóc trước và sau giờ học là 12 nghìn đồng/học sinh/giờ; trông giữ trong ngày nghỉ là 96 nghìn đồng/học sinh/ngày… Ngoài ra, dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh 10 nghìn đồng/học sinh/1km; tiền ở của học sinh nội trú tại một số trường có khu nội trú là 400 nghìn đồng/tháng.

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã bày tỏ ý kiến tâm huyết, quan điểm thẳng thắn đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nêu ý kiến, đối với 5 nội dung thu theo Quyết định số 51/2013, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét và làm rõ hơn tiền dịch vụ bán trú 235.000 đồng/học sinh/tháng sẽ được tính toán sử dụng như thế nào cho phù hợp với mỗi cơ sở giáo dục. Theo quy định, người phục vụ ăn bán trú, trông nom học sinh bán trú… phục vụ được bao nhiêu học sinh?; từ đó tính ra mức thu đối với mỗi cơ sở giáo dục có đủ chi hay không và thiếu, đủ ra sao. Từ đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phải phân tích, làm rõ hơn nhu cầu thực tế nhằm quy định mức thu hợp lý, vì tất cả các khoản thu này đều đặt lên vai của phụ huynh học sinh và gia đình họ.

z5244713464783_be2e4e669ce7e589e71a67e3619bedc6.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trình bày dự thảo Nghị quyết.

Còn nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm Vũ Thành Vĩnh lại cho rằng, về nguyên tắc xây dựng danh mục các khoản thu và mức thu cần nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo hài hòa danh mục và mức thu các khoản dịch vụ, hỗ trợ tăng thêm phù hợp với khả năng chi trả của phụ huynh học sinh trong điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống của người dân còn khó khăn. Nếu tổng hợp tất cả các mức tăng của học sinh khi sử dụng các dịch vụ, hỗ trợ hàng tháng và trong năm học là số tiền lớn. Do vậy, cần xem xét kỹ lưỡng thêm và quan tâm chế độ miễn giảm đối với học sinh thuộc diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến nguyên tắc dân chủ trong việc thỏa thuận tự nguyện giữa cơ sở giáo dục với cha mẹ học sinh cũng như làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi để từ đó tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.

z5244713461011_59eaf3180ae2bcca26f3cb327efb2ecc.jpg
Đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị phản biện.

Đưa ra những nội dung cần cân nhắc thêm trong Dự thảo Nghị quyết, bà Đặng Thị Hồng Thái, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Phân tích Dư luận xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên thành phố rất cần có những chính sách ưu việt hơn về giáo dục đào tạo so với các tỉnh, thành khác. Hiện nay, nếu thành phố chưa có chính sách hỗ trợ chung thì nên có sự hỗ trợ cho từng vùng, từng đối tượng … Do đó, ngân sách thành phố nên cấp bù chênh lệch giữa mức cũ và mức mới khi thực hiện Nghị quyết này thay vì bắt phụ huynh đóng góp. Vì hiện nay, đời sống của bộ phận nhân dân Thủ đô còn khó khăn nên tăng khoản thu này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, mức thu tiền ăn trưa 35 nghìn/học sinh/ngày cần xem xét đến các vùng khác nhau như nội thành và ngoại thành. Với nội thành là bình thường thì với ngoại thành mức thu này lại khá cao.

Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao sự chuẩn bị khoa học, bài bản, đầy đủ của cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, đơn vị soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động của nghị quyết đối với công tác nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời xem xét mức trần áp dụng, để đảm bảo tính ưu việt, nhân văn của nghị quyết. Song song với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của cha mẹ phụ huynh học sinh trong triển khai thực hiện nghị quyết; tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi trong nội dung nghị quyết quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Phản biện tăng khoản thu đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông công lập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO