Nhằm khuyến khích bạn đọc đến với thư viện nhiều hơn, Hà Nội đã miễn phí sử dụng thư viện công cộng trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một trong những động thái nhằm phục hồi và phát triển văn hóa đọc.
Miễn phí để thu hút bạn đọc
Nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ tại “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Sửa đổi quy định về phí thư viện tại Nghị quyết số 06/2020 ngày 7/7/2020.
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của UBND TP Hà Nội, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Mục A về Phí thư viện được quy định tại Danh mục các khoản phí và lệ phí ban hành kèm Nghị quyết số 06/2020 ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố: người sử dụng thư viện được miễn phí đối với các hoạt động quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Thư viện 2019 tại các thư viện công lập thuộc TP Hà Nội quản lý gồm: Sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện; Tra cứu thông tin trên không gian mạng; tiếp nhận thông tin về tài nguyên thông tin thông qua hệ thống tra cứu hoặc hình thức tiếp nhận thông tin, tra cứu khác; Được giúp đỡ, tư vấn về tìm kiếm, lựa chọn tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu.
Theo Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội Vũ Ngọc Anh, việc miễn phí thư viện cho người sử dụng thư viện theo quy định của Luật Thư viện sẽ khuyến khích bạn đọc yêu thích đọc sách giấy in, đến với thư viện nhiều hơn, phát triển văn hóa đọc.
Là người thường xuyên đến thư viện để đọc sách, tra cứu tài liệu, chị Vũ Thu Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm) khá bất ngờ khi biết được thông tin Hà Nội sẽ miễn phí sử dụng thư viện trên địa bàn. “Tôi thấy vấn đề chi phí cho việc sử dụng thư viện không phải là cao nhưng nếu Hà Nội áp dụng miễn phí sử dụng thư viện cho người dân sẽ thu hút được người dân đến với thư viện nhiều hơn. Qua đó có thể thúc đẩy văn hóa đọc” - chị Huyền chia sẻ.
Về việc này, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, khi Hà Nội miễn phí cho người sử dụng thư viện sẽ góp phần thu hút người dân đến với thư viện nhiều hơn, từ đó góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tạo thêm sức hút cho thư viện
Ở Việt Nam, việc đọc sách chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường liên quan đến tài liệu, tri thức, còn những nhóm độc giả khác ít dành thời gian đọc sách. Bên cạnh đó hình thức đọc sách trên mạng internet cũng khá phổ biến, nó thể hiện sự thích ứng với thời đại công nghệ số. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, “văn hoá đọc” chính là thái độ, cách ứng xử của mỗi người với tri thức sách vở. Việc đọc sách nhiều sẽ giúp cho con người phát triển về tâm hồn và trí tuệ.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, những giai đoạn trước, việc đọc sách ở thư viện khó khăn hơn vì yêu cầu phải có thẻ và chỉ có người nào làm việc ở các cơ quan nhà nước, sinh viên các trường đại học hoặc những người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa thì mới được cấp thẻ. Vì thế cũng chỉ phục vụ lượng người nhất định. Nay, đối tượng được làm thẻ để vào thư viện đã mở rộng, đây là điều hết sức có ý nghĩa. Bởi khi mở rộng các đối tượng, ai cũng có quyền tiếp cận sách trong thư viện sẽ giúp cho người đọc tìm được những cuốn sách quý mà họ không có hoặc không mua được ở ngoài.
Cũng theo ông Tiến, thư viện là nơi có nhiều đầu sách, đa dạng về thể loại sách, chính vì thế để thu hút bạn đọc thì các thư viện cần phải làm rõ ràng từng danh mục, loại sách để người đọc có thể tiếp cận dễ dàng, không nên hạn chế đọc một số loại sách.
“Trước đây chúng ta đã hạn chế người đọc chỉ được phép đọc một số loại sách nhất định, chỉ có các nhà nghiên cứu mới được đọc loại sách hạn chế thì nay nên mở rộng để bạn đọc được đọc tất cả các loại sách, kể cả sách hạn chế. Khi đó mới tạo hứng thú cho bạn đọc, tạo cho người ta nhu cầu tìm kiếm thông tin hiếm. Lúc đó thư viện mới có ý nghĩa và đáp ứng được nhu cầu. Nếu vẫn để các danh mục sách hạn chế thì cũng chưa thỏa đáng và chưa phải là thư viện đúng nghĩa. Thư viện không chỉ là lưu trữ mà còn để cho bạn đọc tiếp cận được tất cả sách, tài liệu” - ông Tiến nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng để thư viện thu hút được bạn đọc ngoài nội dung thì việc mở cửa cũng là một yếu tố rất quan trọng. Thời gian của các thư viện mở cửa thường là vào giờ hành chính vì thế rất hạn chế đối với đông đảo công chúng. Nếu các thư viện chỉ mở cửa vào các giờ hành chính sẽ khiến cho nhiều người khó tiếp cận. Cần nới thời gian mở cửa để nhiều người có cơ hội đến với thư viện nhiều hơn.