Nhóm dự án hạ tầng cải tạo hành lang Đông - Tây, hành lang Bắc - Nam và kênh Chợ Gạo được kỳ vọng sẽ mang tới thay đổi lớn về giao thông đường thủy phía Nam, kết nối hầu hết các tỉnh, thành phố.
Có tiềm năng rất lớn với mạng lưới kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nhưng nhiều năm qua, hệ thống giao thông đường thủy ở khu vực phía Nam (gồm vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ) vẫn tồn tại một số bất cập. Đó là sự thiếu kết nối giữa các địa phương và các ghe tàu vận tải hàng hoá ngày càng gặp khó khi di chuyển đường dài vì cầu cống, đường sá xây dựng nhiều hơn.
Một chủ tàu vận tải nguyên vật liệu chia sẻ, việc di chuyển từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên TPHCM là tuyến đường thủy quan trọng và có nhiều ưu điểm nhưng lại gặp khó vì phải di chuyển theo giờ (đợi thủy triều lên) hoặc phải vòng ra biển rồi quay ngược lại. Chính vì vậy nên tàu hàng vận tải bị tụt lại so với phương tiện xe tải thông thường khi cạnh tranh. Nguyên nhân của tình trạng này là dù nhiều sông ngòi kênh rạch tự nhiên nhưng chủ yếu chỉ chảy một hướng từ Tây sang Đông khiến cho các phương tiện phải di chuyển vòng ra biển khi muốn đi theo chiều Bắc - Nam. Mặc dù vẫn có các kênh đào, sông rạch nối tiếp nhưng đa phần nhỏ, thường bị cạn khi thủy triều rút khiến cho phương tiện vận tải gặp khó, chỉ di chuyển một thời gian ngắn là phải dừng lại. Tuy nhiên, những hạn chế trên sẽ được khắc phục triệt để khi nhóm 3 dự án cải tạo hạ tầng đường thủy được triển khai và hoàn thành. Đó là nhóm dự án cải tạo tuyến hành lang Đông - Tây, hành lang Bắc - Nam có tổng nguồn vốn 3.900 tỷ đồng đi qua nhiều tỉnh, thành và dự án cải tạo kênh Chợ Gạo, tuyến kênh đường thủy quan trọng nhất phía Nam giai đoạn 2.
Theo ông Bùi Quang Vịnh - cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án đường thủy (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư thì dự án cải tạo tuyến kênh Chợ Gạo có tổng nguồn vốn là 1.335 tỷ đồng, sau được bổ sung thêm 121 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành tháng 10/2023 nhưng hiện được lùi lại tới cuối tháng 12/2023. Hiện dự án hoàn thành 95% khối lượng công việc. Cũng theo chủ đầu tư, dự án có quy mô là nạo vét, khơi thông luồng chảy khoảng 10km kênh hiện hữu và xây bờ kè, đê bao nhằm giúp ghe thuyền thuận lợi hơn khi di chuyển. Được biết, kênh Chợ Gạo dài khoảng 30km, chủ yếu nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An, là tuyến kênh quan trọng giúp phương tiện ghe tàu vận tải đi từ TPHCM tới sông Tiền, sông Hậu ở miền Tây Nam bộ mà không phải vòng ra phía biển. Mỗi ngày, kênh có khoảng 1.500 phương tiện qua lại, là một trong những tuyến đường thủy có mật độ phương tiện lớn nhất phía Nam. Việc chuẩn bị hoàn thành dự án nâng cấp tuyến kênh này có ý nghĩa rất lớn với các phương tiện đường thủy của nhiều tỉnh thành, giảm chi phí vận chuyển đường thủy nội địa cho người dân.
Trong khi đó, dù mới trong quá trình khởi động nhưng nhóm dự án cải tạo hạ tầng đường thủy theo hành lang Đông - Tây và Bắc - Nam với nguồn vốn 3.900 tỷ đồng cũng mang đến nhiều tín hiệu tích cực, kỳ vọng tạo hiệu ứng chuyển mình cho toàn bộ hạ tầng giao thông đường thủy phía Nam. Đây cũng là dự án hạ tầng đường thủy lớn nhất phía Nam từng được triển khai. Theo kế hoạch của dự án này, tuyến đường thủy theo hành lang Đông - Tây dài 197km từ sông Hậu (địa phận TP Cần Thơ) men theo các sông Trà Ôn, sông Mang Thít, Cổ Chiên, Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, Nước Mặn, sông Vàm Cỏ, Cần Giuộc, Soài Rạp (TPHCM). Dự án cải tạo sẽ giúp trục đường thủy nêu trên đạt tiêu chuẩn cấp II đường thủy nội địa, cho phép tàu 3 lớp container, tàu 600 tấn lưu thông 24/24 và tàu 1.500 tấn lưu thông trong điều kiện thủy triều dâng cao. Hiện nay, trục giao thông đường thủy này vẫn cho phép nhiều ghe tàu di chuyển khi có nhu cầu từ TPHCM về các tỉnh miền Tây Nam bộ (và ngược lại) nhưng việc di chuyển khó khăn, phụ thuộc thủy triều lên và chỉ dành cho tàu cỡ nhỏ.
Trong khi đó, tuyến hành lang Bắc - Nam dài 82km đi qua khu vực sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Tắc Cua, Gò Gia và Thị Vải nằm ở khu vực Đông Nam bộ, với kế hoạch cải tạo để cho phép tàu 5.000 tấn và tàu container 4 lớp di chuyển dễ dàng. Được biết, với trục giao thông đường thủy theo hành lang Đông - Tây và Bắc - Nam sẽ đi qua khoảng hơn 10 tỉnh, thành phố phía Nam, giúp gắn kết hầu hết các địa phương với TPHCM để tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy đủ lớn, giảm đáng kể áp lực cho giao thông đường bộ ở nhiều khu vực.