Cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập vào năm 2025. Một số tên đất mới sẽ ra đời, trong khi nhiều địa danh đã tồn tại bấy lâu nay, gắn bó với người dân địa phương hàng thế kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ, sẽ biến mất.
Mỗi địa danh sinh ra hay biến mất đều tác động đến tâm tư, tình cảm, đời sống của cộng đồng. Ai cũng có nơi sinh, quê quán và những địa danh ấy gắn chặt với cuộc đời của mỗi người trong chúng ta. Mỗi thay đổi liên quan đến tên đất cũng dẫn đến những xáo trộn trong đời sống người dân và không phải xáo trộn nào cũng cần thiết.
Cuối năm 2022, tôi thực hiện một loạt phóng sự với nội dung đi tìm danh tính, quê quán các liệt sĩ hy sinh trong cuộc tập kích nhằm giải cứu tù binh ở Sơn Tây của quân đội Mỹ.
Cuộc tập kích bằng đường không của quân đội Mỹ vào Sơn Tây rạng sáng 21/11/1970 hòng cứu tù binh phi công Mỹ đã gây chấn động thế giới dù kết thúc trong thất bại với kết quả không phi công nào được cứu.
Nhưng trong hơn 20 phút đổ bộ xuống khu vực Xã Tắc, Sơn Tây, biệt kích Mỹ đã bắn chết vợ con ông Lê Viết Tiến - Phó trưởng Ty Công an Hà Tây. Lính Mỹ còn sát hại 6 bộ đội đang canh gác trại giam. Tuy nhiên, danh tính, quê quán của 6 chiến sĩ này chưa từng được nói đến. Và tôi bắt đầu ngược dòng thời gian tìm thông tin về họ.
Lên Sơn Tây, vào khu Xã Tắc, tôi tìm được một nhân chứng của vụ tập kích là bà Cấn Thị Phượng, sinh năm 1955. Nhà bà Phượng chỉ cách khu trại giam vài chục mét, vụ tập kích xảy ra khi bà 15 tuổi.
Bà kể hồi đó các chú bộ đội canh gác trại giam phi công Mỹ hay qua nhà bà chơi, nghe tin tức từ chiếc đài Rigonda của bố bà là ông Cấn Hữu Ân. “Đã lâu lắm rồi, cô chỉ nhớ duy nhất một chú bộ đội trẻ, tên là Ngô Phượng Vỹ (Vĩ?), quê Mỹ Đức, Hà Tây”, bà Phượng nói. “Chú Vỹ là một trong 6 bộ đội hy sinh đêm hôm đó”.
Theo lời bà Phượng, tôi tìm kiếm thông tin về người mang tên Ngô Phượng Vỹ, quê Mỹ Đức, Hà Tây, nay là Hà Nội. Tôi đến Phòng LĐTBXH huyện Mỹ Đức nhờ tra trên hệ thống xem có tên ai là Ngô Phượng Vỹ, liệt sĩ chống Mỹ không. Nhân viên Phòng LĐTBXH huyện Mỹ Đức tra tìm trên máy tính và trả lời: Không có liệt sĩ nào ở Mỹ Đức tên Ngô Phượng Vỹ. Kể cả tra theo tên “Vĩ” cũng không có kết quả.
Tôi nhờ cô nhân viên tra tiếp các liệt sĩ tên Ngô Phượng Vỹ (hay Vĩ) quê quán Hà Tây cũ. Không có kết quả.
“Nhưng anh ơi, em thấy có một liệt sĩ tên Ngô Phương (Phương, không phải Phượng) Vỹ, mà quê quán lại là Đại Thanh, Thường Tín”, cô nhân viên nói.
Tôi cám ơn cô nhân viên, định bụng đi ngay Đại Thanh. Nhưng tra bản đồ, không có xã nào ở Thường Tín mang tên đó. Lục tìm trên mạng, tôi phát hiện một văn bản có thông tin về xã Đại Thanh.
Đó là nghị quyết của Quốc hội ngày 29/12/1978 phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới Hà Nội, TPHCM, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái. Quảng Ninh và Đồng Nai do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký, trong đó có nội dung:
Phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội, trong đó có các xã Liên Minh, Việt Hưng, Thanh Hưng và Đại Thanh của huyện Thường Tín.
Vậy Đại Thanh là một xã của Thường Tín (Hà Sơn Bình cũ), từ năm 1978 đã được sáp nhập vào Hà Nội. Nhưng tôi chưa rõ xã Đại Thanh ấy nay là khu vực nào. Nhìn trên bản đồ, sẽ thấy Thường Tín nếu có phần nào sáp nhập vào Hà Nội thì chỉ có thể nhập vào huyện Thanh Trì giáp ranh.
Tôi lục tìm lịch sử sáp nhập của Thanh Trì và thấy rằng xã Đại Thanh là xã Tả Thanh Oai bây giờ. Và thế là tôi tìm về Tả Thanh Oai, vào nghĩa trang liệt sĩ xã.
Lục tìm trên tấm bảng ghi công, phần liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ, ở hàng gần cuối cùng, tôi đọc được hàng chữ: Ngô Phượng Vỹ (Phượng chứ không phải Phương), quê quán: thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, ngày sinh 20/11/1950, ngày mất 21/11/1970.
Sau đó, tôi tìm được thân nhân của liệt sĩ Vỹ và được xác nhận, ông hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, khi biệt kích Mỹ đổ bộ xuống Sơn Tây hòng giải cứu tù binh phi công.
Vậy là phải lần tìm từ Mỹ Đức đến Đại Thanh, Thường Tín và cuối cùng là Tả Thanh Oai, Thanh Trì, tôi mới tìm thấy phần mộ, gặp thân nhân và nghe kể về cuộc đời ngắn ngủi của liệt sĩ Ngô Phượng Vỹ, người con của dòng họ Ngô Thì (Thời) nổi tiếng khoa bảng.
Địa danh Tả Thanh Oai đã có từ lâu, trước khi xã Đại Thanh ra đời. Làng Tả Thanh Oai (làng Tó hay Tó Tả) được cả nước biết đến là làng khoa bảng với 12 người đỗ đại khoa, gồm 4 hoàng giáp và 8 tiến sĩ, có họ Ngô với dòng Ngô gia văn phái và các danh nhân Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm đã đi vào lịch sử đất nước. Ngoài ra còn có 27 hương cống thời Lê, 10 cử nhân thời Nguyễn.
Theo Cổng thông tin của UBND TP Hà Nội, trước năm 1945, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Giai đoạn 1949-1954, huyện Thanh Trì và Thanh Oai nằm trong quận Văn Điển của thành phố Hà Nội do Chính quyền Quốc gia Việt Nam lập ra. Năm 1956, hai huyện này được trả về tỉnh Hà Đông và sau đó là tỉnh Hà Tây.
Ngày 20/4/1961, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội, theo đó, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào Hà Nội (trừ 4 xã: Liên Ninh, Việt Hưng (Ngọc Hồi), Đại Thanh (Tả Thanh Oai), Thanh Hưng (Đại Áng) nhập vào huyện Thường Tín; 4 xã Hữu Hòa, Kiến Hưng, Cự Khê, Mỹ Hưng nhập vào huyện Thanh Oai).
Trong câu chuyện đi tìm liệt sĩ kể trên, có thể thấy làng Tả Thanh Oai có từ nhiều thế kỷ trước trở thành xã Đại Thanh của huyện Thường Tín, Hà Tây (sau là Hà Sơn Bình) và sau này xã Đại Thanh lại trở thành Tả Thanh Oai, thuộc Thanh Trì, Hà Nội.
Chuyện sáp nhập, đổi tên làng xã nói trên đã khiến công việc tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu những gì đã diễn ra của chúng tôi rất khó khăn. Những lần nhập tách ấy có thể làm biến mất một số địa danh có bề dày lịch sử, sinh ra những cái tên mới, dù chỉ tồn tại một thời gian rồi lại biến mất, như trường hợp “xã Đại Thanh”.
Ông Nguyễn Ngọc Thụy, 69 tuổi, sinh sống ở Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. “Quê tôi ở xã Năng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ”, ông nói với tôi.
Ông Thụy kể ngày xưa, hồi còn trẻ con, việc chính của ông sau buổi học là đi kiếm củi. Năng Yên là xã có diện tích rừng lớn nhất nhì Thanh Ba. “Bên lâm nghiệp kiểm soát rừng rất chặt chẽ. Bà con trong vùng chỉ được vào rừng chặt các cây gỗ đã chết về làm củi đun, không được động đến cây tươi”.
Theo một số tài liệu, Năng Yên là vùng đất cổ xưa, có những dấu tích văn hóa-lịch sử từ thời Hùng vương. Một trong những dấu tích ấy là tập tục thờ tam vị đại vương Cả Ngọ Cao Sơn, Nhị Ngọ Cao Sơn và Út Ngọ Cao Sơn, con vua Hùng thứ 17. Truyền thuyết nói rằng ba vị đại vương có công trấn ải vùng núi Năng Yên, đem lại bình yên cho nhân dân trong vùng và giúp vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương trong dựng nước và giữ nước.
Thấy rừng núi Năng Yên non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, địa hình kỳ vĩ, tam vị đã tâu lên vua “để được chuẩn nhiệm cho thiết lập cung lầu, lâu dài an cư đắc vị”.
Vui mừng với phụ lão nhân dân những ngày hội ẩm, tam vị đã có những lời di huấn còn ghi lại trong ngọc phả. Sau hội ẩm, tam vị giao lại chính tẩm du cung cho nhân dân giữ gìn, trông coi và hóa nơi đỉnh núi Năng Yên. Tưởng nhớ công trạng của tam vị đại vương, đế đình đã phong ban sắc chỉ mỹ tự cho nhân dân lập đền miếu thờ phụng. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay đền vẫn giữ được những kiến trúc gỗ hoàn chỉnh và một số tiêu bản nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian độc đáo. Đền cũng còn lưu giữ nhiều di vật quý như sắc phong, ngọc phả, ngai thờ…
Huyện Thanh Ba có từ lâu đời, vốn thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây, được cắt về tỉnh Hưng Hóa năm 1891. Thời kỳ 1903-1968, thuộc tỉnh Phú Thọ. Thời kỳ 1968-1996, thuộc tỉnh Vĩnh Phú và sau này lại thuộc Phú Thọ cho đến ngày nay. Trong suốt những năm tháng ấy, Năng Yên luôn là một phần của huyện Thanh Ba.
Tuy nhiên, đến nay, đền Năng Yên thờ Tam vị đại vương vẫn còn đó, hằng năm vào mùng 7 tháng Giêng, nhân dân vẫn khai hội truyền thống, xã Năng Yên nay đã được đổi thành xã Quảng Yên, trên cơ sở sáp nhập ba xã Năng Yên, Quảng Yên và Thái Hòa (từ ngày 1/1/2020).
Và kể từ năm 2020, Việt Nam có ba đơn vị hành chính mang tên Quảng Yên bao gồm một xã ở Thanh Ba, Phú Thọ, một xã ở Quảng Xương, Thanh Hóa, một thị xã ở Quảng Ninh.
“Năng Yên, cái tên có từ cổ xưa, một ngày bỗng không còn, tôi cảm thấy có gì đó không hợp lý”, ông Thụy nói. “Tôi không phải nhà nghiên cứu văn hóa, nhưng tôi vẫn thấy thích tên cũ hơn, bởi nó gắn bó với tôi suốt cả tuổi thơ, và gắn bó với biết bao nhiêu người đất Năng Yên nói riêng và cả huyện Thanh Ba trong suốt chiều dài lịch sử”.
Trên Tinh hoa Việt số 218, TS Trần Hữu Sơn -Chuyên gia Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,nhấn mạnh, tên làng không chỉ là cái tên mà nó là niềm tự hào của người dân, là chứng nhân của lịch sử để giáo dục truyền thống cho con cháu.
…Nếu không có sự định hướng thì việc nối tiếp lịch sử của một vùng đất thông qua tên gọi sẽ ngày càng bị mai một và có thể mất đi ngay sau khi đổi tên.