Nếu thuế tăng sốc thì thuốc lá lậu cũng tăng theo, lúc đó các mục tiêu của Chính phủ về giảm thiểu tỉ lệ hút thuốc và tăng thu ngân sách sẽ không được đảm bảo.
Góc nhìn này được đưa ra tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” được tổ chức mới đây tại Hà Nội nhằm tham vấn cho các nhà làm luật khi thiết kế chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá.
Theo Dự thảo đề xuất hai phương án, thứ nhất sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án thứ hai là áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Tuy nhiên, các số liệu thực tế cũng như các mô hình đánh giá tác động của việc tăng thuế được đưa ra phân tích tại Hội thảo đã giúp các bên liên quan có một góc nhìn khác về mối liên hệ giữa việc tăng thuế và số lượng thuốc lá lậu, với khẳng định việc tăng thuế cao đột ngột sẽ làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu trên thị trường, gây thất thoát lớn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Sự song hành của thuốc lá lậu và thuế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), đưa ra bức tranh về sản lượng thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn ra song hành với thuốc lá hợp pháp một cách phức tạp, tinh vi tại nội địa. Thuốc lá lậu ước lượng chiếm 13% - 15% tổng sản lượng tại Việt Nam (tương đương 4,8 - 5 tỷ bao).
Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lí Thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.
Đặc biệt, theo ông Kiều Dương, với việc phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang mạng xã hội khiến việc mua hàng online trở nên phổ biến nên người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn hàng lậu.
Bên cạnh yếu tố khách quan như các quốc gia lân cận không có chính sách phòng, chống thuốc lá lậu kiên quyết như Việt Nam, thì lợi nhuận buôn lậu thuốc lá là rất lớn. Lợi nhuận từ thuốc lá lậu quá cao lên đến 400% do không phải chịu thuế nên người bán vẫn bất chấp.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho hay hệ thống tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3-4 năm/lần) và có “mối liên hệ mật thiết” với tăng thuốc lá lậu.
Nhìn lại lộ trình tăng thuế sẽ thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu. Năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017.
Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021.
Sản lượng thuốc lá hợp pháp sẽ giảm mạnh?
Thực tế, ngành thuốc lá hợp pháp đóng góp một phần lớn khi nộp ngân sách Nhà nước hơn 100.000 tỉ đồng (giai đoạn 2019-2023), tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, và đặc biệt không tạo ra cú sốc tăng giá thuốc lá hợp pháp một cách đột ngột, hạn chế người tiêu dùng chuyển sang dùng thuốc lá nhập lậu có giá rẻ hơn từ đó kìm hãm sự gia tăng của thuốc lá nhập lậu.
Nói thêm về mức tăng thuế trong thời gian qua, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam đưa ra nhận định: “Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc cải cách thuế và đặc biệt thuế TTĐB ở thuốc lá. Tuy nhiên mức tăng thuế của chúng ta không tăng nhanh như đề xuất lần này của dự thảo”.
Nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh theo 2 phương án của Bộ Tài chính, sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, Chủ tịch của PwC Việt Nam đã trình bày kịch bản có thể xảy ra nếu thực hiện các phương án mà Bộ Tài chính đề xuất.
Theo đó, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030, thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại.
Đồng thời, mô hình phân tích của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tại hội thảo cũng đưa ra kịch bản tương tự với PwC: Sản lượng hợp pháp giảm mạnh, thuốc lá lậu lại tăng lên nhanh chóng khi điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá theo đề xuất hiện nay.
Cụ thể, ở cả 2 phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, sản lượng thuốc lá hợp pháp đều giảm mạnh vào năm 2030: thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế.
Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với năm 2025.
Nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy việc tăng thuế cao và đột ngột sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề buôn lậu thuốc lá vốn đã phức tạp, các hiệu ứng dây chuyền tiêu cực trên thị trường thuốc lá như tiếp tục mất nguồn thu, đóng cửa các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp và gây mất công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người lao động.
Đơn cử, Malaysia sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát 5,1 tỷ RM tiền thuế, thu ngân sách sau tăng thuế giảm so với thời điểm trước tăng thuế trong khi đó tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại tăng 5% sau khi tăng thuế và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này.
Có thể nói, khi rơi vào tình trạng thuốc lá lậu chiếm lĩnh thị trường, ngành thuốc lá hợp pháp chứng kiến sự suy giảm mạnh, ngân sách Nhà nước bị thất thoát nghiêm trọng.Do đó, rất cần đưa ra một chính sách tăng thuế hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.