Thời gian gần đây, tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh liên quan đến tai biến sản khoa xảy ra khá phổ biến ở một số cơ sở y tế, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhằm hạn chế tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh liên quan đến tai biến sản khoa xảy ra khá phổ biến ở một số cơ sở y tế, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ngày 11/8/2017, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Đồng thời nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách của địa phương nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ chuyên ngành sản, nhi về công tác tại các vùng khó khăn; thực hiện chính sách đối với cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương đã dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc trẻ em song tình trạng tử vong mẹ và trẻ vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đơn cử như tại Điện Biên đã có nhiều chính sách cũng như dành nhiều nguồn lực cho công tác này.
Theo thống kê tình trạng tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh trên toàn tỉnh có xu hướng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2012 tỷ suất tử vong sơ sinh là 12,5% thì đến năm 2016 chỉ còn 9,3%; cũng trong giai đoạn này tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 36,8% xuống còn 33,8% và tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm từ 68,9% năm 2012 xuống còn 65,2% năm 2016. Tuy nhiên tử vong ở trẻ vẫn ở mức đáng báo động.
Theo bà Trịnh Thị Nguyệt- Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Điện Biên, trong số trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên toàn tỉnh thì có đến 55,4% trường hợp tử vong tại nhà và trên đường vận chuyển đến cơ sở y tế. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ dưới 5 tuổi tử vong là do nhiều gia đình không chú ý đến những biểu hiện khác thường của trẻ, khi trẻ ốm sốt, không đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị mà tự chữa tại nhà. Hoặc khi đưa đến bệnh viện thì đã quá nặng không còn hy vọng cứu sống. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác, đó là việc theo dõi sức khỏe bà mẹ mang thai không được quan tâm, tỷ lệ suy dinh dưỡng khi mang thai còn cao; sinh con tại nhà còn nhiều, cũng vì thế mà các dị tật bẩm sinh không được phát hiện; nhiều trẻ sơ sinh không được đảm bảo dinh dưỡng và đủ ấm vào mùa đông.
Trên không chỉ là câu chuyện của riêng Điện Biên mà còn là tình trạng chung của nhiều địa phương hiện nay. Mặc dù ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, thế nhưng ở nhiều địa phương tỷ lệ đẻ tại nhà vẫn chiếm tỷ lệ khá cao và đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra. Theo ông Nguyễn Đức Vinh-Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) trung bình mỗi ngày có trên 400 trẻ sơ sinh tử vong trên cả nước. Trong số các nguyên nhân tử vong, nguyên nhân do nhẹ cân non tháng chiếm 50-60%, sau đó là ngạt sơ sinh, thứ 3 là nhiễm khuẩn, thứ 4 là do dị tật.
Do đó, để hạn chế tình trạng trên, các địa phương cần quan tâm dành nguồn lực xây dựng hệ thống y tế tuyến cơ sở cùng với đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt cần phải tăng cường truyền thông để người dân hiểu được ý nghĩa việc khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra thai kỳ và tiêm phòng cho trẻ. Có như vậy mới có thể hạn chế tình trạng tử vong mẹ và trẻ em.