Hàng hóa sản xuất trong nước: Ngày càng được ưa chuộng

Minh Phương 24/10/2015 09:15

“Hàng hóa của các DN Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn” – đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế khi nói về sự thay đổi trong tâm lý tiêu dùng của người dân hiện nay.

Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại, các đại lý… có thể nhận thấy rõ, lượng hàng hóa, sản phẩm “made in Việt Nam” ngày một chiếm số lượng lớn. “Hiện, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, hàng nội địa chiếm tới 90%” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội nhận định.

Một điều dễ nhận thấy, đối với những sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày như đồ gia dụng, quần áo, giày dép… thay vì tâm lý sử dụng hàng ngoại nhập trước đây, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang tìm mua hàng có nhãn mác “made in Việt Nam”.

Chị Nguyễn Kim Thanh, một người dân ở phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, thị trường trong nước bày bán tràn lan các loại hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã bắt mắt nhưng chất lượng thấp, sử dụng một hai ngày đã hỏng. Không những kém chất lượng, hàng hóa Trung Quốc còn gây cho người tiêu dùng những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, thời gian qua, cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cả tâm lý người tiêu dùng cũng như tâm lý sản xuất của cộng đồng DN.

Đáng chú ý, không ít người tiêu dùng không chỉ sử dụng hàng Việt mà còn động viên người nhà mua hàng hóa nội địa, thay vì lựa chọn hàng nhập ngoại như trước đây. Đối với cộng đồng DN, phần lớn các DN đã rất nỗ lực, không ngừng sáng tạo, gia tăng sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn trong việc thực hiện Cuộc vận động là hàng loạt các chương trình hoạt động hỗ trợ sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng Việt và các hoạt động thiết thực để thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Việt đã được tổ chức liên tiếp trong thời gian qua.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2015, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ, chú trọng tập trung vào công tác thúc đẩy tiêu thụ một số nông sản có sản lượng lớn, mang tính thời vụ với sản lượng lớn gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu như sản phẩm dưa hấu, hành tím... Và gần đây nhất, đầu tháng 10 vừa qua, (27/9 đến 4/10) chương trình Tuần nhận diện Hàng Việt cũng đã được Bộ Công thương tổ chức với mục tiêu để người tiêu dùng Việt tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt, nhà sản xuất kết nối chặt chẽ hơn với nhà phân phối…

Theo nhận định của các DN, những sự kiện nói trên đã tạo nhiều cơ hội để các sản phẩm hàng hóa của cộng đồng DN các địa phương có thể bước chân vào các hệ thống phân phối, hệ thống các siêu thị lớn trên toàn quốc. Từ đó, giúp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, cũng như kết nối để người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm đến từ nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Hà, chuyên sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng cho hay: Khi người tiêu dùng trong nước đón nhận sản phẩm, DN mới có thể trụ vững trong thời điểm hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng hóa sản xuất trong nước: Ngày càng được ưa chuộng