Hàng loạt vi phạm đấu thầu các dự án

Lê Anh 16/10/2017 08:25

Không chỉ để xảy ra các sai phạm về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, gần đây lĩnh vực giao thông vận tải tại TP HCM cũng nổi cộm những vướng mắc trong khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định, cũng như các sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án…

Bệnh viện Ung bướu TP HCM, trực thuộc Sở Y tế TP HCM là nơi xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động đấu thầu. (Ảnh: Hồng Phúc).

Từ bệnh viện đến dự án BOT

Vụ sai phạm gần nhất xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM khi các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh của bệnh viện này. Gói thầu trị giá 240 tỷ đồng của bệnh viện không chỉ gia hạn thời điểm đóng thầu đến 5 lần, mà còn bị điều chỉnh hồ sơ tạo lợi thế cho một đơn vị, đồng thời đẩy một nhà thầu khác khỏi quá trình tham gia đấu thầu.

Đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định quá trình thực hiện gói thầu trên của bệnh viện đã vi phạm Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó bệnh viện đã có tác động chủ quan trong quy định hồ sơ mời thầu khi đưa ra các tiêu chí đánh giá, thang điểm, tổng số điểm tối thiểu theo hướng tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây sự cạnh tranh không bình đẳng và vi phạm quy định.

Sai phạm trong đấu thầu thuốc cũng được phát hiện tại Bệnh viện Mắt TP HCM từ tháng 3-2017. Theo Thanh tra TP HCM, tại bệnh viện này trong giai đoạn 2013 – 2014 đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, hoạt động trong xã hội hóa y tế và thu tiền khống của người bệnh…

Cụ thể, chỉ trong hai năm thì tổng giá trị vật tư, y dụng cụ, hóa chất được Bệnh viện mua khoảng 240 tỷ đồng nhưng qua kiểm tra hồ sơ dự thầu, trúng thầu xác định được nhiều đơn vị không có hợp đồng mặt hàng tương tự mặt hàng dự thầu, song vẫn được chọn và cho trúng thầu. Từ năm 2016, bệnh viện này được 6 công ty đặt máy, hỗ trợ nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc chẩn đoán, mổ mắt trị giá hàng chục tỷ đồng, bù lại các công ty này được Bệnh viện Mắt TP HCM “lại quả” bằng hàng loạt các ưu tiên liên quan đến các sản phẩm sử dụng trong mổ mắt. Có thời điểm, ngân sách để bệnh viện này đấu thầu thuốc là 47,5 tỷ đồng nhưng lại thực hiện mua nhiều mặt hàng thuốc khác nhau với số lượng nhiều hơn so với kế hoạch được duyệt, với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

Không chỉ hai bệnh viện trên, từ tháng 5-2017 có 4 dự án tại TP HCM bị Bộ Xây dựng “tuýt còi” và quyết định thanh tra, gồm: Dự án San lấp mặt bằng Bệnh viện Nhi đồng TP HCM; Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi đồng; Dự án Xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu và Dự án Xây dựng Khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

Lĩnh vực giao thông, xây dựng của TP HCM cũng bị phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu, với số tiền thanh tra ước tính lên đến 2.000 tỷ đồng tại một loạt dự án lớn. Điển hình là 6 dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường bị Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm, bao gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; Dự án xa lộ Hà Nội; Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu; dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ và dự án cầu Bình Triệu 2.

Các sai phạm điển hình trong các dự án này, chính là sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu là không đúng quy định pháp luật. Thậm chí, về phía các cơ quan quản lý nhà nước tại TP HCM, bao gồm các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có nhiều sai sót, lơi lỏng trong công tác xử lý; công tác thẩm định, phê duyệt dự án khả thi xảy ra nhiều sai sót; nội dung dự án thiếu sự cần thiết phải đầu tư, phương án so sánh, điển hình như tại Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ và Dự án đường nối.

Quá trình thanh tra trong lĩnh vực đấu thầu tại TP HCM còn phát hiện một loạt các dự án BT, BOT có tình trạng chậm tiến độ, dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư. Trong đó, cơ quan thanh tra ước tính khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra lên đến 2.172 tỷ đồng.

Cần phải sửa sai và minh bạch

Trước yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM được yêu cầu phải thực hiện công khai, nghiêm túc, minh bạch quá trình đấu thầu tại các đơn vị, trước hết là phải xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra vừa qua là 2.172 tỷ đồng.

Trong nỗ lực sửa sai, siết chặt công tác quản lý, UBND TP HCM đã ban hành quy chế đấu thầu theo hướng đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn. Quy chế được ban hành ngay đầu tháng 10-2017 cho phép các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động hợp pháp có sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Cụ thể, thành phố sẽ mở ra hướng quản lý minh bạch hoạt động đấu thầu trong các công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; dịch vụ vận tải công cộng đô thị; đóng mới, sửa chữa các phương tiện thủy chuyên dùng phục vụ tìm kiếm cứu nạn; quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng loạt vi phạm đấu thầu các dự án