Những cửa hàng bán thực phẩm không rõ nguồn gốc hay những quán bán rong trước cổng trường là sự lo lắng của tất cả các bậc phụ huynh. Đến hiện tại, nhiều phụ huynh vẫn phản ánh về nỗi bất an này...
Đắt hàng giờ tan tầm
11h trưa, khi tiếng trống trường vang lên, tiếng reo hò tan học của các em học sinh cũng bắt đầu nhộn nhịp, đấy là thời điểm bà Cao Kim Xuyến bắt đầu đẩy xe bán cá viên chiên, xúc xích rán,... ra trước cổng trường.
Tại Trường THCS Nghĩa Tân, rất nhiều bạn học sinh sau khi vừa bước ra khỏi cổng đã chạy ngay đến quầy thức ăn di động này để mua hàng.
Trên chiếc xe máy đã cũ là một quầy đồ ăn nhỏ với các loại viên đủ sắc màu và hình thù khác nhau, được chiên qua lớp mỡ đã ngả đen do dùng nhiều lần rồi đặt lên chiếc đĩa xốp bóng mỡ, bà Xuyến cho biết, bán ở trước cổng trường cấp 2 là lãi nhất.
"Tôi thường bắt đầu chuẩn bị hàng vào lúc 10h sáng để tầm 11h trưa đẩy xe ra đây. Tầm này học sinh tan học, lại còn đói nữa, nên ăn rất nhiều các loại viên. Sau đấy tôi lại nghỉ đến 5h chiều quay lại bán tiếp đến tối. Nhưng đắt hàng nhất vẫn là tầm buổi trưa", theo bà Xuyến.
Khi được hỏi rằng bà có dùng lại lớp dầu ăn đã chiên trước đó không, bà Xuyến khẳng định ngày nào cũng thay dầu mới cả, "làm gì có chuyện dùng lại dầu thừa bao giờ?"
Tại một cửa hàng khác được mở cạnh trường học cũng bày bán hàng loạt các loại thực phẩm, bên trên nhãn mác ghi chủ yếu là tiếng nước ngoài nhưng giá bán ra chỉ từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng. Người bán hàng bán liên tục không ngơi tay.
Một học sinh sau khi mua 10.000 đồng được 4 gói cả thạch cả bánh cho biết: "Em ăn mấy cái gói này suốt, vừa ngon vừa rẻ, ăn mãi cũng có bị làm sao đâu".
Theo quan sát, những học sinh ăn uống tại cửa hàng này hay các hàng quán bán rong xung quanh đều mua hàng một cách rất nhanh chóng để kịp về nhà. Bạn Khánh An (13 tuổi, Trường THCS Cầu Giấy) chia sẻ, "Hàng ngày em được mẹ cho 20.000 đồng để ăn sáng, tuy nhiên em thường hay nhịn ăn hoặc ăn ít đi để trưa về được ra ăn những món mình thích. Bố mẹ không cho ăn vặt nên em phải ăn nhanh hoặc giấu đi trước khi về đến nhà"...
Và đấy cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh có con đang đi học tại các trường cấp 2.
Lo ngại tình trạng ngộ độc thực phẩm
Theo thống kế của Bộ Y tế chỉ tính riêng trong năm 2022, cả nước đã ghi nhận 59 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố, làm hơn 1.400 người bị ngộ độc và 28 ca tử vong.
Đáng lo ngại hơn, số vụ vận chuyển thực phẩm có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng bởi các đối tượng xấu lợi dụng việc các học sinh còn nhỏ không hiểu rõ về vấn đề an toàn thực phẩm để tiêu thụ những loại thực phẩm này.
Vào cuối năm 2022, Trung tâm Y tế Thành phố Tây Ninh đã tiếp nhận 10 trẻ nhập viện có triệu chứng ngộ độc thực phẩm (đau bụng, nôn ói, sốt cao, tiêu chảy, sốc giảm nhiệt...) sau khi ăn sushi của một quầy bán hàng lưu động trước cổng trường học.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy các mẫu sushi, hotdog, hamburger, sandwich gửi Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm nghiệm; đồng thời niêm phong số hàng không nhãn mác của các xe bán hàng lưu động.
Quá trình kiểm tra xác minh cơ sở kinh doanh này không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm, như điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm (sản phẩm không được bảo quản trong tủ kính); không có giấy phép kinh doanh; không có giấy đủ điều kiện ATVSTP; không có giấy khám sức khoẻ, giấy cam kết kiến thức ATVSTP cho chủ và nhân viên bán hàng.
Trước thông tin về việc các cơ sở kinh doanh đồ ăn, thực phẩm quanh trường học không đảm bảo chất lượng, nhiều phụ huynh chia sẻ cảm thấy rất bất an và lo ngại. Tuy nhiên khi trao đổi cùng phóng viên, họ cho biết gia đình rơi vào thế khó xử khi không thể nào quản được các con trong vấn đề ăn uống.
Một phụ huynh đến đón con trước cổng trường tâm sự, nhiều khi không làm được đồ ăn sáng hay mua về cho con ăn nên đành phải đưa tiền cho con cầm đi. Tuy nhiên những lúc như thế lại sợ con mang tiền đi ăn vặt trước cổng trường.
Chị này tỏ ra lo ngại không biết các thực phẩm trước cổng trường có sạch hay không, nguồn gốc xuất xứ ra sao? Nhưng thấy họ vẫn đi bán đều, vẫn có người mua nên cũng không dám ý kiến gì. "Đấy là miếng cơm manh áo của người ta, lo sợ thì lo sợ nhưng cũng chỉ dám quản con mình".
Anh Nguyễn Cao Bằng - phụ huynh học sinh Trường THCS Nghĩa Tân cũng nói: Do đặc thù công việc mà gia đình không chuẩn bị được bữa sáng cho con, vì thế phải để con tự cầm tiền mua đồ ăn. Đúng là cũng không quản được các con ăn gì...
Nhiều phụ huynh cấm con mình ăn đồ ăn vặt trước cổng trường, thậm chí không cho tiền để ăn vặt. Tuy nhiên, việc bạn bè rủ rê, bao nhau ăn uống lại thường xuyên xảy ra, phụ huynh cũng rất khó quản lý.
Hiện nay, tại mỗi địa phương đều có Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Thời gian qua Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hà Nội đã nỗ lực trong kiểm soát, quản lý tình hình an toàn thực phẩm trong các trường học, bếp ăn công nghiệp nói riêng cũng như tình hình an toàn thực phẩm từ các chợ đầu mối, siêu thị. Tuy nhiên ở những nơi dân cư đông đúc, đô thị rộng lớn như Hà Nội thì việc kiểm soát, quản lý an toàn thực phẩm càng thách thức khó khăn hơn rất nhiều lần. Đặc biệt là hàng hóa, thực phẩm từ các chợ tạm, vỉa hè, hàng rong…