14.594 là số sản phẩm nông sản của gần 8.000 hộ nông dân đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua.
Đây là nỗ lực của doanh nghiệp (DN) và nhà quản lý trong việc thúc đẩy “số hóa” cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của ngành nông nghiệp nước nhà.
Hàng ngàn tấn nông sản đã tiêu thụ qua kênh trực tuyến
Dịch bệnh Covid-19 buộc các hình thức giao dịch thương mại truyền thống phải thay đổi. Trong nguy có cơ, tận dụng những lợi thế của các kênh TMĐT, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương đã nỗ lực kết nối nhà sản xuất với các sàn TMĐT, đưa nhiều sản phẩm nông sản lên các kênh bán hàng trực tuyến.
Và thực tế cho thấy, những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Đơn cử vụ vải thiều 2021 vừa qua. Cả hai “thủ phủ” vải thiều là Bắc Giang và Hải Dương đã có một mùa vải thắng lợi kép, được cả mùa lẫn giá, bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành, là do hàng ngàn tấn vải đã được bán qua kênh thương mại điện tử.
Trao đổi với PV, ông Lê Đức Tuấn, hộ trồng vải ở xóm Thanh An, thôn Trù Hựu, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, vụ vải thiều vừa qua, gia đình ông thu hoạch được khoảng 15 tấn vải. Trong đó hơn 10 tấn trồng theo quy trình VietGap đã được ngành công thương của huyện Lục Ngạn đến thu mua từ sớm.
Theo ông Tuấn, phần lớn các hộ dân trong thôn Trù Hựu đều dành một diện tích khá lớn để trồng vải theo quy trình VietGap. Hàng năm đều được ngành công thương đến đặt hàng.
“Tất cả sản lượng vải trồng theo quy trình VietGap và đạt tiêu chuẩn này đều được giá, năm nay cả vườn vải nhà tôi bán được giá cao hơn mọi năm” – ông Tuấn nói. Nhiều hộ dân ở các thôn vùng cao của huyện Lục Ngạn như Cấm Sơn, Tân Mộc... cũng cho biết, năm nay đã được ngành công thương của huyện đến đặt hàng từ sớm, tất cả các diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGap đều được thu mua với giá tốt.
Nói về việc đưa nông sản lên sàn TMĐT, ông Lê Đức Tuấn cho rằng: “Với mong muốn đưa được vải lên các sàn TMĐT để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, bà con nông dân chúng tôi rất nỗ lực trồng vải, sản xuất theo quy trình VietGap. Tuy nhiên, hiện nay các hộ vườn vẫn đang sản xuất khá nhỏ lẻ. Để đồng bộ và có được diện tích lớn theo quy chuẩn này, cần có sự chung tay của nhà quản lý, DN phân phối để tạo thành một quy trình sản xuất khép kín, để nông dân tự làm thì cũng rất khó”.
Số liệu của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ mùa vải 2021, hơn 8.000 tấn vải được tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành phố qua 2 sàn Postmart và Voso.
Hàng triệu hộ nông dân sẽ được lên sàn
Khẳng định vai trò quan trọng của sàn thương mại điện tử trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nhấn mạnh, với việc đưa hàng ngàn tấn vải thiều lên các sàn TMĐT như Postmart, Voso, vải thiều của Bắc Giang đã được đẩy mạnh tiêu thụ trong vụ vừa qua. Kết quả này là sự vào cuộc của các Bộ, ngành cũng như chính quyền các địa phương...
Nhấn mạnh vai trò của việc “số hóa” cho nông sản, ông Đường cho rằng, chuyển đổi số cho hộ sản xuất nông nghiệp là bước phát triển đột phá được nêu ra trong Kế hoạch "Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn", bởi đây là lực lượng chính để triển khai kinh tế số nông nghiệp. “Bằng cách đưa bà con lên sàn thương mại điện tử để họ thấy rõ lợi ích trong việc bán hàng và mua hàng trên sàn thương mại điện tử” – ông Đường nhấn mạnh.
Những động thái của các DN TMĐT thời gian qua đã cho thấy, kênh này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản vốn tắc nghẽn lâu nay.
Theo Bộ TT-TT, nhóm các đơn vị công nghệ của Bộ TT-TT sẽ phối hợp cùng các DN bưu chính để cung cấp nền tảng số, hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Theo đó, mục tiêu hết năm 2021, sẽ đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
“Nếu không có sự tham gia của bà con, của các HTX sản xuất thì chương trình kinh tế số nông nghiệp rất khó thực hiện. Vì vậy, Bộ TT-TT chọn bước đột phá vào các hộ sản xuất, tức là đột phá vào con người” - ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.
Cũng khẳng định sự vào cuộc của các sàn TMĐT thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: Qua gần 1 năm chính thức vận hành tổ chức hoạt động kết nối thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP HCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang… hàng nghìn lượt DN đã được tiếp cận với sàn TMĐT. Nhiều sản phẩm nông sản đã được tổ chức tiêu thụ trên các sàn TMĐT lớn như hành tím Sóc Trăng, khoai lang tím Vĩnh Long, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, bơ Đắk Nông, mận, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên và sắp tới đây là các sản phẩm khác như nhãn xuồng Bến Tre, na Chi Lăng (Lạng Sơn), bưởi Phúc Trạch . . .
Với những nỗ lực của nhà quản lý, đặc biệt là chủ trương đưa hàng triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT, có thể thấy, mục tiêu số hóa ngành nông nghiệp đang dần được hiện thực hóa, từ đó bài toán tiêu thụ nông sản bị “tắc nghẽn” bấy lâu nay sẽ dần được giải tỏa.
Số liệu thống kê cho biết, đến nay có 7.987 hộ nông dân và 14.594 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng ngành nông nghiệp nước nhà. Bộ TT –TT cho biết, sẽ đưa 12-13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kinh doanh. Đây là mục tiêu lớn của Bộ trong thời gian tới.