Vướng mắc ở khâu lưu thông đang trở thành nguyên nhân chính khiến nhiều loại nông sản chuẩn bị vào vụ thu hoạch có nguy cơ ùn ứ. Những quy định về “luồng xanh” ở mỗi địa phương lại được đưa ra khác nhau thực sự đang gây khó cho các DN sản xuất khi không thể đưa hàng qua điểm giáp ranh.
Lo đầu ra
Chuẩn bị đến mùa thu hoạch, song bà con nông dân trồng dừa tỉnh Bến Tre những ngày này như “ngồi trên lửa” vì không biết thu hoạch xong rồi tiêu thụ ra sao. Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến cho lực lượng lao động ở đây không thể tham gia sản xuất, dừa khó có thể thu hoạch kịp do tính chất lao động đặc thù của loại nông sản này.
Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với người dân trồng nhãn ở Hưng Yên. Theo chia sẻ của bà Trần Thị Yên, huyện Phù Cừ (Hưng Yên), nhãn chuẩn bị đến mùa thu hoạch, đã có nhiều đầu mối đặt mua, thế nhưng việc thực hiện Chỉ thị 16 khiến việc lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ, giờ đây hàng trăm tấn nhãn chuẩn bị vào mùa thu hoạch không biết xoay xở ra sao.
Trong khi đó, tại tỉnh Long An, sản phẩm chanh cũng đang mùa thu hoạch. Theo ông Nguyễn Chí Thiện- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, sản lượng chanh mỗi ngày là 2.000 tấn khiến tỉnh cũng đang khá loay hoay với đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo các chuyên gia, câu chuyện tiêu thụ nông sản thời điểm này đang gặp khó khăn nhất ở khâu vận chuyển. Hiện một số nơi yêu cầu lái xe nông sản cần có QR Code “luồng xanh” và giấy xét nghiệm âm tính.
Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc băn khoăn về quy định vận chuyển, “luồng xanh” ở mỗi nơi một kiểu vận dụng, khiến lưu thông rất khó, đặc biệt vùng giáp ranh. Có những nơi, 2 đầu cầu đã yêu cầu khác nhau khiến DN vận chuyển tắc nghẽn ở giữa.
Cũng theo bà Lan, hiện “luồng xanh” chủ yếu cấp cho các xe vận tải. Nhưng với các DN nhỏ, đơn vị đầu mối chủ yếu giao bằng xe máy, loại xe này chưa có giấy nhận diện phương tiện. “Về giấy xác nhận đi đường, nhiều nơi chưa kịp, khiến nhân viên khó đi qua các chốt để đảm bảo khâu bán hàng”, bà Lan cho hay.
Trong khi đó, liên quan đến quy định mặt hàng thiết yếu, không ít DN đang “dở khóc dở cười” vì quy định mỗi địa phương một kiểu. Có khi địa phương này coi mặt hàng này là thiết yếu thì sang địa phương kia lại không đưa vào danh sách mặt hàng được lưu thông. Nhiều DN cho rằng, cần có đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất.
Quan tâm cả khâu sản xuất
Cũng cho rằng, nhiều sản phẩm nông sản chuẩn bị đến mùa thu hoạch nhưng đối diện với nguy cơ ùn ứ vì tắc nghẽn ở khâu lưu thông, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods cho rằng, nghịch lý ở chỗ sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, không thể kéo dài mãi. Chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng là việc rất bức thiết. Bởi vậy, cần phải giải quyết cấp bách ngay các vấn đề liên quan đến việc lưu thông hàng hóa để không bị đứt gãy nguồn cung.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới. Bởi vậy, nhà quản lý cần đưa ra những giải pháp để vật tư sản xuất nông nghiệp được lưu thông thông thoáng hơn hạn chế thấp nhất những rủi ro về đứt gãy chuỗi sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, làm sao để đảm bảo cung cầu hàng hóa giữa 2 miền Nam - Bắc; tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sau này, không chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đang là nhiệm vụ đặt ra hiện nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cũng cho hay, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Covid-19 đang xây những vùng an toàn trong 19 tỉnh, thành phía Nam để tạo sự kết nối, chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định.
Tuy nhiên ông Nam cũng lưu ý, các tỉnh, thành cần chủ động xây dựng bộ quy chuẩn cho những vùng này, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị, chính quyền các địa phương cần nắm địa bàn sát hơn nữa, lắng nghe các DN hơn nữa để duy trì sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa được thông suốt.