10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) với sự vào cuộc của Mặt trận các cấp, các ngành, đoàn thể thành viên, tại Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Một tiết mục tuyên truyền về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” .
Sau khi triển khai, cuộc vận động đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Nhiều sản phẩm hàng hóa, làng nghề truyền thống của các địa phương được chú trọng đầu tư, ngày càng phát triển, từng bước có chỗ đứng trên thị trường như: Sâm Ngọc Linh, tiêu, quế, nông sản, thủy sản, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ, gốm, mây tre thủ công, may mặc…
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa đa dạng, phong phú; thậm chí có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, giải thể hoặc phá sản, số người thất nghiệp gia tăng...
Trước tình hình đó, ngoài những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương đến tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) tham mưu Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động, thành lập Ban Thường trực, Tổ giúp việc cho BCĐ CVĐ tỉnh, tham mưu ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ hằng năm.
Đã có 7/18 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập BCĐ CVĐ. Ban Thường trực UB MTTQ các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ, thành lập bộ phận thường trực, Tổ giúp việc và tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức thành viên của MTTQ tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng CVĐ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức các Hội chợ cấp huyện, cấp xã, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng khó khăn...
10 năm qua, Sở Công thương tiếp nhận, theo dõi 61 Hội chợ và 33 phiên chợ; cấp huyện, cấp xã tổ chức hơn 200 hội chợ, phiên chợ hàng Việt, thu hút gần 1.250.000 lượt khách tham quan, mua sắm, tổng doanh thu bán hàng trên 300 tỷ đồng... Xây dựng đề án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá nông sản và các siêu thị trong và ngoài tỉnh Quảng Nam” nhằm tìm đầu ra cho hàng nông sản của tỉnh; triển khai chương trình bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm; hoàn thành dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;…
Hằng năm, Đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, mỗi năm kiểm tra bình quân 3.500 vụ, xử lý trên 1.500 vụ, thu ngân sách gần chục tỷ đồng.
Hưởng ứng CVĐ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cải tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa cùng với phát triển hệ thống phân phối, thị phần nội địa.
Tiêu biểu như: Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành) doanh thu hằng năm 10 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng. Hay như Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ trong nhiều năm qua đã bền bỉ với chiến lược “Nội địa hóa”, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng hơn 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại siêu thị. Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thường xuyên tổ chức mỗi năm từ 15 đến 20 chuyến bán hàng lưu động với 100% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tham gia các phiên chợ Việt ở nông thôn và miền núi.
Với nhiều cách tuyên truyền và liên tục đổi mới, 10 năm triển khai thực hiện CVĐ từng bước tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, người sản xuất về hàng Việt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.