Bước chân vào thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn như Central Retail, Wal Mart, Aeon, Lotte… đã và đang giữ một vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt. Giới chuyên gia đánh giá, đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài sẽ góp phần nâng chất, nâng giá trị và sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Kênh xuất khẩu hiệu quả
Hội nhập kinh tế sâu rộng đòi hỏi sức cạnh tranh lớn. Bởi vậy, nếu hàng Việt không có nỗ lực để cải thiện cả lượng và chất, sẽ rất khó có thể “so bì” được với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác. Lợi thế về công nghệ của các sản phẩm ngoại nhập đang là rào cản lớn đối với hàng hóa của chúng ta.
Thời gian qua, với sự xuất hiện của các hệ thống phân phối nước ngoài tên tuổi vào trong nước như Central Retail, Wal Mart, Aeon, Lotte… cũng đã tạo động lực cho hàng hóa nước nhà nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh để có thể thâm nhập vào các hệ thống phân phối hiện đại này.
Tất nhiên, để có thể bước chân vào các tập đoàn lớn này không phải là câu chuyện đơn giản. Một chuyên gia trong ngành đưa ra ví dụ, chuối là một sản phẩm nông sản của bà con nông dân đã có mặt tại hệ thống siêu thị Aeon. Aeon là hệ thống siêu thị hiện đại của Nhật Bản và những quy trình về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu về chất lượng của hệ thống siêu thị này là rất cao.
Bởi vậy, khi chuối Việt vào được hệ thống siêu thị này có nghĩa là đã đạt được những quy chuẩn khắt khe, từ đây sản phẩm chuối sẽ được người tiêu dùng thế giới biết đến, bởi Aeon là kênh siêu thị có mảng “chân rết” khá rộng lớn trên thị trường quốc tế. Dù vậy, việc chúng ta có thể đưa được sản phẩm chuối vào hệ thống phân phối lớn của các đại gia ngoại được bền vững hay không, điều này tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp (DN) Việt có thể đáp ứng được chất lượng sản phẩm một cách bền vững và duy trì được nguồn cung lâu dài vào các hệ thống phân phối ngoại.
Thời gian qua, nhà quản lý đã nỗ lực xúc tiến việc đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối nước ngoài, với mục đích đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng quy mô thị trường cho hàng Việt. Và trên thực tế, việc này đã đạt được những kết quả rõ nét.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam (nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất, dệt may...) đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới.
Đơn cử với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), năm 2021, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng Aeon đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức “Tuần hàng Việt Nam” siêu thị Aeon ở tỉnh Saitama (Nhật Bản). Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Công ty Aeon Việt Nam thông tin, từ năm 2016 đến nay “Tuần hàng Việt Nam” tại Nhật Bản đã trở thành sự kiện thường niên của Tập đoàn Aeon, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
“Việc hàng hóa Việt Nam được bày bán rộng rãi tại chuỗi siêu thị Aeon và các chuỗi siêu thị lớn khác của Nhật Bản như Donkihote, Itoyokado… sẽ mở ra cơ hội mới cho hàng hóa, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản”, ông Furusawa Yasuyuki cho biết.
Thực tế cho thấy, không chỉ Aeon mà cả Central Group, Lotte Mart và NTUC FairPrice... cũng hỗ trợ để hàng Việt bán vào các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore...
Theo lãnh đạo Tập đoàn Central Retail Việt Nam, vừa qua tại Trung tâm thương mại Central tỉnh Udon Thani (Thái Lan), Tập đoàn Central Group đã tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan. Đây là lần thứ 5 chương trình Tuần hàng Việt Nam được Central Group tổ chức tại Thái Lan.
Những dữ liệu nói trên cho thấy tiềm năng cho hàng Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới qua các hệ thống phân phối bán lẻ là rất lớn. Động thái này không chỉ thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, mà quan trọng hơn, tạo điều kiện, tiền đề để các DN luôn ý thức, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực nâng sức cạnh tranh.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh,việc đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài không chỉ thúc đẩy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Việt Nam mà còn góp phần xây dựng một hệ thống các DN cung cấp hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững”.
Theo đại diện EuroCharm tại Việt Nam, khi hàng Việt đạt được các yêu cầu khắt khe nhất về tiêu chuẩn, chất lượng, về truy xuất nguồn gốc... sẽ dễ dàng tiếp cận với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang ký kết và thực thi. Đặc biệt là với một thị trường khó tính như châu Âu, đây là yếu tố có tính chất quyết định.
Vào hệ thống siêu thị ngoại - không dễ!
Dù vậy, bản thân các DN vẫn luôn ý thức được rằng, xuất khẩu qua kênh phân phối hiện đại là việc không dễ dàng. Bởi những yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn, xuất xứ hàng hóa được các nhà phân phối nước ngoài đưa ra là rất cao. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất trong nước phải đầu tư công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như giá cả cạnh tranh.
Trên thực tế, các DN Việt đều nắm rõ vấn đề này, song không phải DN nào cũng đáp ứng được những điều kiện, quy định khắt khe từ phía các nhà phân phối ngoại đưa ra. Nguyên nhân nằm ở chỗ, các DN tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nguồn vốn, nguồn lực không đủ mạnh... bởi vậy, mẫu mã cũng như chất lượng ổn định của sản phẩm Việt còn rất hạn chế, do đó khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Đỗ Thị Thu Hương kể câu chuyện về một nhà phân phối lớn ở Canada muốn mua hoa quả tươi Việt Nam, rõ ràng đây là cơ hội lớn cho các DN Việt mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây. Và DN Việt đã đồng ý cung ứng. Nhưng sau đó bản thân các DN Việt thừa nhận họ không đủ sức cung ứng sản phẩm như hàng loạt các yêu cầu đặt ra. Đồng thời lo ngại khi hàng bán tiêu thụ tốt sẽ thua lỗ nên không hợp tác với nhà bán lẻ Canada.
Đại diện Aeon cho biết, từ năm 2018 tập đoàn đã hướng dẫn cho hàng trăm nhà cung ứng, song ngay từ giai đoạn này nhiều DN không thể đi tiếp vì năng lực, khả năng sản xuất thiếu ổn định...
Đa số các nhà phân phối ngoại đang đóng chân tại Việt Nam hiện nay đều thừa nhận, có những quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập hàng như: An toàn thực phẩm, xác định nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, tồn dư hóa chất nông nghiệp… Vì vậy, nhà cung cấp phải có quy trình sản xuất, quản lý tương ứng để đáp ứng yêu cầu của hệ thống siêu thị này.
Tuy nhiên, trên thực tế, các DN tại Việt Nam hiện chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nguồn vốn, nguồn lực không đủ mạnh... bởi vậy, mẫu mã cũng như chất lượng ổn định của sản phẩm còn rất hạn chế, khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. “Trong hàng chục DN với nhiều chủng loại sản phẩm cũng chỉ chọn được một số mặt hàng có đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài. Nguyên nhân là phần lớn DN nhỏ và vừa, hộ sản xuất vẫn yếu về nguồn lực tài chính, công nghệ”, đại diện Aeon cho biết.
Chính bởi vậy, rất cần sự nỗ lực của nhà quản lý trong việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu... Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, để gia tăng lượng hàng hóa Việt tiêu thụ qua các kênh phân phối lớn của nước ngoài, các DN Việt phải nâng cao năng lực sản xuất để có thể cung ứng các sản phẩm đáp ứng những tiêu chí, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra.
“Đây chính là thách thức của cuộc chơi toàn cầu hóa buộc mỗi DN Việt cần phải nỗ lực khẳng định chính mình”, ông Phú nhấn mạnh.
Các siêu thị ngoại như Aeon, Lotte, MM Mega Market... “đóng đô” tại Việt Nam là những kênh phân phối hiệu quả giúp tiêu thụ hàng hóa Việt, kênh xuất khẩu hàng Việt ngay tại sân nhà. Thế nhưng, để sản phẩm hàng hóa Việt có thể tiêu thụ qua các kênh phân phối này, tiêu chí về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu.