Xã hội

Hành động quyết liệt giảm ô nhiễm không khí

Đức Trân 31/07/2024 09:11

Ô nhiễm không khí là vấn đề đáng báo động tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM, nơi có mật độ dân cư đông đúc, lưu lượng giao thông cơ giới nhiều. Đáng lo ngại hơn khi ô nhiễm không khí chủ yếu là do bụi, trong đó có bụi mịn PM2.5.

_lhz2200.jpg
Ô nhiễm không khí do bụi tại TP Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, ô nhiễm không khí vẫn luôn là vấn đề đáng báo động tại nước ta. Đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM, nơi có mật độ dân cư đông đúc, lưu lượng giao thông cơ giới nhiều. Đáng lo ngại hơn khi ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Xu hướng ô nhiễm không khí ngày càng tăng

Dữ liệu từ tổ chức IQAir cho thấy, Việt Nam hiện đang xếp thứ 22/134 tại bảng xếp hạng các quốc gia/vùng lãnh thổ ô nhiễm nhất thế giới dựa trên nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm.

Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir cũng chỉ rõ, năm 2023, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại Việt Nam là 29,6 μg/m3 – con số này vượt quá 5,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo.

Với chỉ số vượt ngưỡng báo động nói trên, không khó lý giải với con số 2.000 - 3.000 người chết liên quan ô nhiễm khí bụi mịn từ hoạt động giao thông tại TPHCM mà các nhà khoa học vừa đưa ra.

Mặc dù vậy, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo số liệu từ WHO, ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Một số nghiên cứu của các chuyên gia môi trường cũng chỉ ra rằng, trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035.

GS.TS Phạm Duy Hiển - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phân tích, nồng độ bụi mịn ở nước ta gia tăng theo đà phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng các phương tiện giao thông cơ giới.

“Các nguồn bụi mịn chính thường xuyên tác động đến chất lượng không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM gồm bụi do giao thông, bụi đất lơ lửng, tro bay từ các bếp than tổ ong và đốt sinh khối, bụi có nguồn gốc từ chất thải... Nhưng áp đảo vẫn là nguồn phát thải từ hàng chục triệu phương tiện giao thông, đa phần là xe máy” - GS Phạm Duy Hiển đánh giá.

bui-min.jpg
Kiểm soát khí bụi từ các phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy và ô tô góp phần đáng kể trong việc làm trong sạch môi trường sống. Ảnh: Quang Vinh.

Bụi mịn - tác nhân gây ra nhiều loại bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính có khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

TS Đỗ Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Quản lý Sức khỏe môi trường và hóa chất, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) lý giải, PM2.5 là loại bụi siêu mịn rất nguy hiểm. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ô tô). Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này tương tự thời điểm độ ẩm cao hoặc sương mù.

“Không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính” – TS Cường nhấn mạnh.

Siết khí thải từ phương tiện xe cơ giới

Một số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có gần 70 triệu xe máy và hơn 6 triệu xe ô tô. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, hàng triệu xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao. Đây là một trong những nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM thời gian gần đây ngày càng gia tăng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, vấn đề về sức khỏe đặt ra yêu cầu cấp bách, là phải làm sao để kiểm soát khí bụi bẩn từ các phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy và ô tô.

Theo GS.TS Phạm Duy Hiển, để giảm bụi, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch và quản lý đô thị. Cần tiến hành kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, vừa làm đầu vào cho các mô hình phát tán trong nghiên cứu môi trường không khí. Ðã đến lúc phải chấp nhận những giải pháp triệt để nhất, có thể tốn kém và gây xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân, nhưng lại làm thay đổi theo hướng hiện đại như các nước tiên tiến. Ngoài ra, cần rút ra những bài học đắt giá về quản lý để tránh ô nhiễm không khí cho những khu đô thị mới ở ngoại thành và các nơi khác trong cả nước. Người dân phải từ bỏ nhiều thói quen cũ, nhanh chóng thích nghi nếp sống trong một đô thị văn minh, hiện đại.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng:

Cần những phương tiện xanh

anh-box.jpg

Về số liệu 2.000 - 3.000 người chết liên quan ô nhiễm khí bụi mịn từ hoạt động giao thông vừa được công bố, PGS.TS Bùi Thị An cho biết: Đây thực sự là những con số báo động đối với sức khỏe của con người Việt Nam do ô nhiễm khí bụi, thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách rằng chúng ta phải có những hành động cụ thể, quyết liệt để kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí. Riêng đối với ô nhiễm khí bụi mịn từ hoạt động giao thông, cần hạn chế, tiến tới thay thế dần những phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hạn chế những phương tiện giao thông cũ. Cần tăng cường hơn nữa những phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch.

Tại hội thảo kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tham gia giao thông do Trường Đại học Việt Đức và tổ chức Dekra tổ chức mới đây, các nhà khoa học cho biết hàng năm tại TPHCM có từ 2.000 - 3.000 người chết liên quan ô nhiễm khí bụi mịn từ hoạt động giao thông. Trong khi đó, theo thống kê, mỗi năm TPHCM có khoảng 500 - 600 người tử vong do tai nạn giao thông.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, đã đến lúc TPHCM cần đi tiên phong trong việc giảm ô nhiễm từ hoạt động giao thông, qua đó gia tăng sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người dân. “Để giảm khí bụi bẩn, đặc biệt là bụi mịn và các khí như oxit lưu huỳnh và oxit nitơ trong đó mô tô, xe máy đóng góp tỷ lệ rất lớn vào phát thải này, đáng chú ý là xe trên 15 năm chiếm tỷ lệ rất cao từ 20-25%. Trước mắt TPHCM cần triển khai kiểm soát kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong 5 năm tới theo Luật An toàn giao thông đường bộ. Bắt đầu từ năm sau sẽ triển khai kiểm soát kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. TPHCM cần tiên phong trong vấn đề này bằng cách phối hợp với Cục Đăng kiểm để xem xét các quy chuẩn, quy định, hướng dẫn kỹ thuật đối với việc kiểm định khí thải với xe 2 bánh” - PGS.TS Vũ Anh Tuấn nói, đồng thời cho rằng, thành phố phải có chính sách hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp để đổi sang xe mới, ví dụ như xe điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động quyết liệt giảm ô nhiễm không khí