Sau khi được đề nghị về việc xem xét cho di sản hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, hồ sơ hát Xoan đã vừa được gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để xem xét, xác nhận hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Hát Xoan.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Phú Thọ, việc gửi hồ sơ hát Xoan đã được thực hiện đúng kỳ hạn.
Xứng danh di sản
Việt Nam là trường hợp đầu tiên trên thế giới đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO đưa di sản hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Đa số các quốc gia thành viên của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã đánh giá cao quá trình bảo tồn di sản và ủng hộ Việt Nam chuyển thẳng Hát Xoan Phú Thọ sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngay sau khi có ý kiến của UNESCO về việc xây dựng hồ sơ đưa hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) và một số đơn vị liên quan triển khai xây dựng hồ sơ đề cử.
Hồ sơ được thảo luận và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như: Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và một số sở, ngành tại địa phương. Trong đó, Hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về Di sản đến các ảnh và nội dung hồ sơ, thông tin đầy đủ của các tổ chức, cộng đồng liên quan đến Di sản, kết cấu hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO.
Đặc biệt, theo ông Hà Kế San – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: “Trong quá trình lập hồ sơ đã nhận được sự nhiệt tình tham gia của cộng đồng. Đại diện cộng đồng đã rất phấn khởi, hưởng ứng, bày tỏ nguyện vọng, tích cực thảo luận, cung cấp, chia sẻ thông tin với các chuyên gia và thể hiện sự đồng thuận một cách tự nguyện”.
Cụ thể, theo ông San, cả 4 phường Xoan gốc và một số câu lạc bộ hát Xoan đã gửi văn bản cam kết và bày tỏ nguyện vọng được đề cử di sản hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hồ sơ được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định và cho rằng: Thành công nhất của tỉnh Phú Thọ là nâng cao được nhận thức của đội ngũ lãnh đạo của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị hát Xoan và cộng đồng đã thực sự làm chủ di sản của mình. “Với những nét độc đáo riêng có vùng đất Tổ, hát Xoan Phú Thọ xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại”- ông San nhấn mạnh.
Chung tay từ cộng đồng
Bên cạnh những tiến triển tích cực trong khâu thủ tục, không thể phủ nhận hát Xoan Phú Thọ trong những năm qua đã tự cứu mình. TS Lê Thị Minh Lý- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa phân tích: “Điều quan trọng nhất là Phú Thọ nên tập trung cho 4 phường Xoan gốc để nâng cao chất lượng nghệ thuật và khả năng truyền dạy của những nghệ nhân chủ chốt.
Đồng thời phải làm sao con em 4 phường Xoan gốc có tình yêu, có trách nhiệm trong việc bảo vệ hát Xoan và tiếp tục sự nghiệp mà cha ông đã sáng tạo, gìn giữ”. Bên cạnh đó, cũng theo bà Lý, hát Xoan nên nhận thức rằng danh hiệu vừa là vinh dự nhưng vừa là trách nhiệm. Với trách nhiệm ấy, chúng ta phải có nhiều biện pháp khác nhau như: Giáo dục trong trường học; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các chương trình nghệ thuật để hát Xoan biểu diễn, thể hiện và cộng đồng có điều kiện để giới thiệu di sản của mình; Hát Xoan có thể tham gia vào dịch vụ du lịch, vừa mang lại sự hãnh diện cho cộng đồng nhưng cũng là sự động viên để cộng đồng có được phần thưởng xứng đáng từ những hoạt động đó. “Điểm nữa cần quan tâm, đó là tạo cơ hội để Xoan cổ, hát Xoan đích thực của cộng đồng được sống như: Trình diễn trong các không gian đình, đền, miếu mà cha ông vẫn thường biểu diễn; được giao lưu, biểu diễn với cộng đồng và các đình, đền khác có tục thờ cúng Hùng Vương”- bà Lý cho hay.
Có thể thấy, tiếp tục lộ trình thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp giai đoạn 2013 – 2020, đã hết giai đoạn “khẩn cấp”. Ở đó, việc tập trung nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe nhìn về hát Xoan từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân lão thành đưa trở lại cộng đồng đã giúp cộng đồng nhận diện giá trị di sản và truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường Xoan.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng chính sách cùng với những hỗ trợ của nhà nước nước đã tạo nên những “bàn đap” phát triển hữu hiệu. Ở đó, các nghệ nhân hiện nay đã truyền dạy liên tục; đồng thời cung cấp tài liệu truyền dạy cho các câu lạc bộ, nhóm công chúng đang tham gia thực hành và thưởng thức Xoan để đảm bảo bài bản và nghệ thuật múa, hát Xoan giữ được giá trị di sản. Không chỉ vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng 4 phường Xoan tham gia bằng việc gắn kết, sử dụng nguồn đầu tư từ các chương trình văn hóa cơ sở hoặc xã hội hóa và sẽ thiết lập quỹ bảo tồn hát Xoan, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ… hát Xoan đã có những tín hiệu vui, nếu năm 2010 chỉ có khoảng 13 câu lạc bộ của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2015, ở Phú Thọ đã có hơn 30 câu lạc bộ Xoan với 1.103 thành viên.
Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy Xoan cổ thì nay hát Xoan đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ…
Đặc biệt, hiện đã hình thành ba thế hệ Hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng. 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Đây cũng đang là bước đầu phục hồi các tập tục và một số không gian trình diễn hát Xoan tại cộng đồng.