Lễ hội đền Đô được tổ chức hàng năm trong 3 ngày 14, 15, 16/3 âm lịch và chính hội là ngày 15/3, kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (15/3 năm Canh Tuất – 1010). Đây không chỉ là ngày để tưởng nhớ công ơn các vị vua nhà Lý mà là dịp con cháu dòng họ Lý ở năm châu bốn bể cùng xum họp, cùng hướng về cội nguồn, tổ tiên.
Quan đám Nguyễn thế Thành đọc chiếu dời đô.
Anh Lee Bae Kun là hậu duệ đời thứ 31 của dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc đã có mặt từ sớm tại Đền Đô, sau khi chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các di tích lịch sử nơi đây, anh nói: “Đây là lần đầu tiên tôi về Việt Nam tham dự lễ hội Đền Đô. Trước khi về đây, tôi đã từng được nghe bố mẹ kể rất nhiều, nhưng khi về đây tôi rất ngạc nhiên về quy mô tổ chức lễ hội lớn như thế này. Tôi cũng rất tự hào và rất cảm ơn vì người Việt Nam cũng rất quan tâm đến tổ tiên dòng họ chúng tôi. Tôi nghĩ hoạt động như thế này đã thể hiện lòng thành kính của nhân dân Việt Nam và con cháu trong dòng họ với vua Lý Thái Tổ cùng các vị vua nhà Lý. Tôi sẽ cố gắng để hàng năm có thể về tiếp tục dự lễ hội Đền Đô này.”
Phần lễ khai hội là phần rất quan trọng, lễ bắt đầu của sự may mắn cho cả cộng đồng, cho nên mọi hành vi, lời ăn, tiếng nói đều được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trong nghi thức tế lễ có lễ “Túc Yết” - đây là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ.
Nghi thức này còn được hiểu là lễ báo hiếu, lễ rước Thánh Mẫu về dự đại lễ của con. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.
Đoàn rước Lý Thánh Mẫu từ Chùa Cổ Pháp về Đền Đô.
Lễ rước trong lễ hội đền Đô được miêu tả “Tám cỗ kiệu trang hoàng lộng lẫy được rước từ đền Đô lên chùa Cổ Pháp để nghe tăng ni tụng kinh, rồi lại rước về chỗ. Kiệu của Lý Chiêu Hoàng không được rước, phải khiêng ra đặt ở trước điện thờ để bà nghênh đón kiệu của tám vua”.
Trong lễ hội đền Đô có hoạt động múa rồng, đây là hoạt động mang tính đặc trưng tiêu biểu của lễ hội, thể hiện hùng khí Thăng Long-biểu trưng của sự thăng tiến, niềm mơ ước của cư dân trồng lúa nước.
Đội múa rồng dẫn đầu đoàn rước tiến về phía sân khấu lớn.
Tiếp theo là nghi thức Đại tế. Tế lễ là một loạt các động tác và hành vi nhằm biểu hiện sự tôn kính tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị Vua Lý. Trong không khí linh thiêng, đám tế thay mặt cho dân làng cầu mong sự che chở và ban niềm tin cho họ để họ có một sức mạnh phi thường, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội đền Đô xưa kia thường được rước đủ tám kiệu, nhưng vì tốn nhiều công sức, tiền bạc, nên ngày nay chỉ tổ chức rước hai kiệu có ý nghĩa tượng trưng.
Lễ và hội là một thể thống nhất không thể tách rời. Nếu phần lễ là phần tín ngưỡng, là phần của thế giới tâm linh; thì phần hội là phần tập hợp vui chơi giải trí. Qua đó thể hiện sự đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống, với các trò chơi truyền thống văn hóa hấp dẫn mang bản sắc dân tộc. Ở lễ hội đền Đô có các hoạt động, như đấu vật, chơi cờ người, hát quan họ, hội thơ, chơi đu, thả chim bồ câu, chơi chọi gà, thi nấu cơm niêu đất...
Các hoạt động đặc sắc trong lễ hội.
Đấu vật là một trò chơi thượng võ trong lễ hội.
Đấu vật có thể coi là một hoạt động bằng sức lực là chủ yếu, tuy nhiên trong đó còn hàm chứa cả sự khéo léo tinh khôn. Đây cũng là một hình thức thi tài dành cho nam giới. Hội đấu vật ở hội đền Đô hội tụ được nhiều đô vật ở các tỉnh phía Bắc.
Các đô vật gặp nhau với những trận đấu hăng say, quyết liệt, nhưng không thô bạo, mà rất uyển chuyển, kể cả khi "vào miếng", "đấu miếng" và "phá miếng". Hội thi vật thường làm không khí của hội thêm tưng bừng. Bởi, không những các keo vật hay, mà còn có tiếng chiêng, trống, sự cổ vũ nhiệt tình của người xem.
Lễ hội đền Đô nói riêng và các lễ hội nói chung là biểu trưng của một bảo tàng về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tập trung nhiều phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử quan trọng của dân tộc. Lễ hội đã, đang và sẽ tác động sâu sắc vào tâm linh, tính cách và đời sống của nhân dân.