Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân tại các khoa khám bệnh thuộc bệnh viện công, do Sở Y tế TPHCM công bố mới đây khiến không ít người giật mình; đòi hỏi phải gấp rút có giải pháp cải tiến chất lượng dịch vụ, nếu không muốn bị “tụt hạng” thêm.
Đáng nói là chất lượng nhà vệ sinh, thủ tục đăng ký khám, thái độ ứng xử, giao tiếp của bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn được coi là khâu yếu với hơn 12.500 ý kiến không hài lòng. Con số đó tăng hơn 18% so với năm 2022.
Tiếp đó, ý kiến không hài lòng tập trung nhiều nhất ở các khâu làm thủ tục đăng ký khám bệnh (2.125 lượt) tăng 33,56%. Chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện - dịch vụ vốn vẫn luôn bị người bệnh phàn nàn nhưng mặc thời gian trôi qua vẫn không được cải thiện: ý kiến không hài lòng tăng hơn 30%. Khâu làm thủ tục khám bảo hiểm y tế tăng 27,46%. Thông tin hướng dẫn cho người bệnh tăng 23,44%. Chỗ ngồi chờ khám, chờ xét nghiệm ý kiến không hài lòng tăng 20,12%.
Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến khảo sát 1 năm hệ thống bệnh viện công của riêng ngành Y tế TPHCM, nhưng nó cũng có tác dụng “đánh động” các địa phương khác. Rằng, cho dù bệnh viện công đã có cố gắng, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Ý kiến người dân (tham gia khảo sát) cần được quan tâm để tự sửa, khi mà những bất cập được chỉ ra đều nằm trong “tầm tay” của các bệnh viện, nào phải những “nhiệm vụ bất khả thi” xa xôi nào đó.
Cũng rất đáng chú ý khi nhiều ý kiến cho rằng số lượt đánh giá không hài lòng của người đi khám, chữa bệnh là không bất ngờ. Điều đó cho thấy sự cải thiện ở các lĩnh vực ý thức phục vụ, thái độ ứng xử với người bệnh, vệ sinh bệnh viện rất chậm chạp, không được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo bệnh viện. Lý do đến từ sự quá tải là có, nhưng quan trọng hơn vẫn là trách nhiệm của bệnh viện chưa đầy đủ.
Đã lâu, ngành Y tế đưa ra nhiều quyết tâm về xây dựng “y đức”, nhưng hiệu quả chưa được như ý muốn. Đó là điều rất đáng suy nghĩ. Y đức không phải là điều gì đó quá xa xỉ, mà là từ những việc nhỏ nhất trong khuôn viên bệnh viện, từ khâu làm thủ tục đăng ký khám, khâu làm thủ tục khám bảo hiểm y tế, cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ, cách giao tiếp của nhân viên bệnh viện với bệnh nhân... Suy cho cùng những điều đó nào phải cần đến tiền bạc đầu tư mà chính là từ “trái tim đến với trái tim”.
Nói là vậy nhưng cũng rất đáng hoan nghênh những bệnh viện công đã chủ động lấy ý kiến về mức độ hài lòng/không hài lòng của bệnh nhân. Đặc biệt là việc công khai kết quả khảo sát, dù kết quả đó có gây ra nỗi buồn phiền đi chăng nữa. Đó chính là sự minh bạch, không giấu khuyết điểm. Từ đó cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM thì cải tiến chất lượng được coi là nhiệm vụ sống còn trong bệnh viện tự chủ. Còn theo TS Mai Trọng Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì việc cải thiện chất lượng phải thực chất và từ nội lực của bệnh viện. Còn lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, ý nghĩa của việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh không chỉ là bao nhiêu phần trăm người dân hài lòng, mà quan trọng hơn chính là những gì người dân chưa hài lòng. Để từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, hướng tới mục tiêu phục vụ người bệnh tốt hơn.
Đã hơn 10 năm ngành Y tế triển khai chủ trương khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống bệnh viện công. Bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn tồn đọng không ít vấn đề. Điều đó đòi hỏi việc “hậu khảo sát” phải làm tốt hơn. Có nghĩa là không chỉ dừng lại ở kết quả với ý nghĩa tham khảo, mà quan trọng là từ đó phải làm gì để bệnh viện công tạo dựng niềm tin, cũng có nghĩa là ngày càng phục vụ người dân tốt hơn.