Tinh hoa Việt

Hãy viết, và tự tin vào chính mình

NHẬT ĐĂNG 08/01/2024 17:13

Nguyễn Quang Thiều làm thơ, viết văn, viết báo và vẽ. Mảng nào ông cũng tạo được những dấu ấn nhất định. Năm 2023 vừa đi qua là một năm có nhiều điều đáng nhớ đối với ông.

19(1).jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Mới rồi, Nguyễn Quang Thiều ra mắt tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ”. Vậy là sau 3 năm, kể từ tập “Dưới ánh trăng và một bậc cửa”, thi sĩ Nguyễn Quang Thiều ra tiếp một tập thơ mới. Nhà phê bình Văn Giá nhận xét: "Ngay từ tập thơ đầu tiên “Sự mất ngủ của lửa” (1992), rồi lần lượt 9 tập thơ sau đó, cho đến tập thơ này, Nguyễn Quang Thiều không chỉ xác lập tư cách thi sĩ vững chãi của mình mà còn kiên định tồn tại trong một tư thế LÀ MÌNH, để làm nên một cá tính thơ khác biệt, không lẫn”…

Nhưng Nguyễn Quang Thiều còn viết văn xuôi. Những truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”, “Kẻ ám sát cánh đồng”, “Người đàn bà tóc trắng”… đã khiến nhiều bạn đọc nhớ đến một tác giả văn xuôi đương đại.

Cá nhân tôi thích những tập truyện ông viết cho thiếu nhi. “Bí mật hồ cá thần”, “Con quỷ gỗ”, “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”… đã dựng lên một thế giới tuổi thơ trong trẻo, tràn ngập vẻ đẹp của ước mơ và lòng trắc ẩn.

“Viết truyện cho thiếu nhi là cơ hội để tôi sống lần nữa với tuổi thơ, giúp tâm hồn thanh khiết hơn và bớt đi những phàm phu cuộc đời”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm.

Còn khi Nguyễn Quang Thiều vẽ, ông cũng khiến nhiều người... choáng váng. Những bức tranh cho thấy Nguyễn Quang Thiều đã tìm một con đường riêng của mình trong hội họa.

Ông xác định: “Vẽ tranh là một cuộc bày tỏ và tôi được quyến rũ bởi nó. Những người khác vẽ thì vẽ hiện thực bên ngoài, nhìn vào mẫu để vẽ, còn tôi vẽ hiện thực của bên trong đời sống, đó là hiện thực của thơ ca. Tôi vẽ trên tinh thần đời sống mà một bài thơ chứa đựng. Cho nên tôi có thể vẽ mãi bởi vì tôi có rất nhiều thơ. Càng vẽ tôi càng bị nó quyến rũ”.

img-6887.jpg
Trích đoạn một bức tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: FBNV.

* Tôi sinh ra ở làng Chùa, làng Chùa sinh ra tôi. Tôi là người quê, là người của làng. Làng là cội nguồn năng lượng của tôi. Cái làng này, cái ao này, đầm này, những bông hoa sen, hoa mận, hoa xoan này đã sinh ra tôi.

* Tôi chưa bao giờ có chủ trương cách tân. Ngay khi xuất bản tập thơ đầu tay “Ngôi nhà 17 tuổi” năm 1990, tôi đã nhận ra có những giọng nói của các nhà thơ đi trước lẫn trong giọng nói của mình. Cũng ngay lúc đó, trong tôi vang lên giọng nói của con người tôi một cách rõ nhất. Đó là hình ảnh của tôi, biểu tượng của tôi, ngôn ngữ của tôi và những ám ảnh của tôi. Và tôi đã đi theo tiếng gọi đó.

Khi mỗi nhà văn cầm bút bởi đòi hỏi tự thân của mình, bởi những điều đẹp đẽ đang vang lên trong mình, bởi những nỗi sợ hãi của những cái xấu đang đe dọa ngay trên bậc cửa nhà mình. Khi nhà văn cầm bút vì điều đó, thực sự và chỉ vì điều đó thôi thì tôi nghĩ bắt đầu văn chương sẽ hiện ra, sẽ bước đến trong đời sống của bạn đọc.

NGUYỄN QUANG THIỀU

* Tôi là người trung thực với bản thân, đắm đuối với đời sống và đam mê nghệ thuật. Nhìn nhận lại, đến tuổi này, những gì tôi đã sống, đã hành động, đã sáng tạo tôi thấy mình không có gì ân hận.

Nếu được sống lại, tôi vẫn sẽ sống như vậy. Chỉ có một sự tiếc nuối là mình chưa đủ tài năng, chưa nhận thức được sớm hơn những điều đẹp đẽ khác để hiện thực hóa khát vọng sáng tạo của mình.

Nghĩ lại, cũng thấy còn bao nhiêu điều đẹp đẽ, lớn lao mà mình chưa làm được. Nên nếu được sống lại, tôi vẫn đi trên con đường đã đi, chắc chắn tôi sẽ học hành kỹ lưỡng hơn, quyết liệt hơn trong công việc.

* Tôi sợ hãi nhất nếu đánh mất đi ngọn lửa đam mê trong con người mình. Tôi luôn sống với đam mê, đam mê từ cuộc hẹn uống cà phê, làm một bài thơ, viết một câu chuyện, vẽ một bức tranh…

Nếu mất đi sự đam mê thì đó là điều kinh hãi nhất bởi cuộc sống chẳng còn có ý nghĩa gì.

* Nếu nhà văn không đủ trong sáng, đẹp đẽ, yêu thương, cảm xúc, điều đó có thể thất bại, thậm chí phá sản trong việc truyền cảm hứng qua tác phẩm của họ.

* Điều đáng tiếc nhất của con người không phải những vẻ đẹp bị mất đi, mà là chúng ta không nhận ra được những vẻ đẹp, dù chúng vẫn đang ở đấy.

* Sống như thế nào thì tác phẩm sẽ như thế. Tất cả những người cầm bút ảo tưởng về mình, tìm cách quảng bá mình và ngạo mạn về sản phẩm của mình sẽ không bao giờ chạm tới được văn chương đích thực.

* Đề tài trong nghệ thuật là khoảng hiện thực mà anh ấy hiểu, thích, yêu nhất. Đề tài làng quê là kỷ niệm, là hồi ức, là quá khứ của tôi. Là sinh quyển nuôi tôi sống, viết và vẽ.

* Đề tài, theo tôi không phải là điều quyết định giá trị của một tác phẩm mà là nhà văn viết về những gì họ quan tâm như thế nào. Thực tế, chỉ có hai con đường đối với người cầm bút mà họ phải chọn một. Cầm bút sáng tạo trong một cảm hứng tự do và cầm bút trong sự tùy tiện.

Tự do mang đến cho nhà văn sự sáng tạo vô bờ và họ sẽ chạm vào cái đẹp, còn tùy tiện sẽ ném nhà văn vào vực thẳm của những điều ích kỷ và tồi tệ. Ý thích cá nhân nếu không được hiểu đúng trên nền tảng văn hóa và nhân văn sẽ dễ dàng dẫn con người đến với sự tùy tiện.

* Đừng nghĩ cụm từ “sứ mệnh lịch sử” là một điều gì quá to tát mà chính là những gì nhỏ bé, giản dị nhất nhưng lại nhân văn nhất.

* Hãy vì con người. Nếu hiểu được điều đó và làm vì điều đó thì nhà văn sẽ không bao giờ lạc lối.

* Vật chất không phải là điều quyết định có tác phẩm hay hay không. Người không có tài, không có tấm lòng, không có trí tuệ, không dày vò trong sáng tác của mình thì dù có đầu tư hàng triệu USD cũng không thể mang lại được điều gì tốt đẹp, hay ho trong trang viết của mình. Vẫn có những nhà văn sẵn sàng sống một cuộc sống vô cùng bình dị để theo đuổi một tác phẩm lớn của họ, thậm chí dành cả cuộc đời cho văn chương dù số đó không nhiều.

Nhưng việc không có được một tác phẩm hay, tác phẩm lớn thì vật chất hay điều kiện sống chỉ là lý do thứ yếu.

* Chưa bao giờ văn hóa, đời sống tinh thần con người bị đe dọa như bây giờ. Chưa bao giờ, những chủ nghĩa thực dụng, lối sống vô cảm, giá lạnh, thiếu chia sẻ, thiếu tình thương yêu của con người lại có thể tăng lên như bây giờ. Văn chương có nhiệm vụ đến tận cùng là kêu gọi nhân tính trong mỗi con người.

* Tôi nghĩ sứ mệnh của các nhà văn hiện nay là chống lại cái ác. Kẻ thù thậm chí là cái ác trong chính chúng ta, người bên cạnh chúng ta… Cái ác có thể chiếm lĩnh ở trong con người nếu chúng ta rời bỏ cái đẹp. Và cuộc chiến chống lại cái ác là cuộc chiến quan trọng nhất, cuộc chiến vĩnh hằng, cuộc chiến mãi mãi của những người cầm bút.

* Khi mỗi nhà văn cầm bút bởi đòi hỏi tự thân của mình, bởi những điều đẹp đẽ đang vang lên trong mình, bởi những nỗi sợ hãi của những cái xấu đang đe dọa ngay trên bậc cửa nhà mình. Khi nhà văn cầm bút vì điều đó, thực sự và chỉ vì điều đó thôi thì tôi nghĩ bắt đầu văn chương sẽ hiện ra, sẽ bước đến trong đời sống của bạn đọc.

* Sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật cho chúng ta một đôi cánh. Nhưng ranh giới giữa sự tự do và tùy tiện mong manh lắm. Sự tùy tiện cá nhân trong sáng tạo sẽ vùi trang viết của tác giả vào trong bóng tối.

* Viết truyện cho thiếu nhi là cơ hội để tôi sống lần nữa với tuổi thơ, giúp tâm hồn thanh khiết hơn và bớt đi những phàm phu cuộc đời. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để viết sách cho những đứa trẻ, cho cháu, chắt của mình.

* Hội họa thực sự quyến rũ tôi. Quyến rũ là sự khởi đầu thật dễ dàng với mọi người. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện những ý thích đó là một sự nghiêm túc. Bởi bất cứ cuộc chơi nào chúng ta cũng cần sự nghiêm túc. Nghiêm túc là thể hiện thực sự sự đắm mê và mới có thể đi hết sự đắm mê của mình.

* Hãy viết, hãy khiên tốn và tự tin vào chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãy viết, và tự tin vào chính mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO