Tảo hôn tác động xấu đến sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo thành vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, làm suy giảm chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực. Thế nhưng ở không ít địa phương, cán bộ cơ sở vẫn đến dự, thậm chí chúc mừng cho những đám cưới của cô dâu, chú rể nhí. Đó là thực tế đáng buồn được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo Quốc gia về tảo hôn tổ chức ngày 25/10.
Suy giảm nòi giống, đói nghèo vì tảo hôn
Tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam mặc dù đã giảm nhưng vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Min, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru- Vân Kiều. Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%.
Kết quả khảo sát về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Tổng cục DS- KHHGĐ thực hiện ở 44 xã của 9 huyện thuộc tỉnh Lào Cai cũng chỉ ra những con số đáng buồn. Chỉ trong 9 huyện đã phát hiện 224 cặp kết hôn cận huyết, trong đó có 221 cặp là con bác lấy con dì; con chị gái lấy con em trai; cháu lấy dì; chú lấy cháu; cháu lấy cô.
Nói đến hậu quả của việc tảo hôn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo: Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi. Đáng lo ngại do tảo hôn, nhiều trẻ mang thai sớm khi chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý tâm lý sẽ dẫn đến tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15-19 tuổi cao hơn so với các bà mẹ trưởng thành.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cũng cảnh báo, tảo hôn để lại nhiều hệ lụy về việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt là của phụ nữ và trẻ em. Tảo hôn còn dẫn đến nguy cơ cao xâm hại tình dục và bóc lột trẻ em, vi phạm các quyền của trẻ em. Đồng thời dẫn đến hệ lụy một thế hệ tương lai, con của các em này cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn với hoàn cảnh đói nghèo, sức khỏe kém, thiếu sự chăm sóc giáo dục đầy đủ.
Rõ ràng hệ lụy tảo hôn gây ra rất nghiêm trọng, nhưng ở nhiều nơi, tảo hôn còn được xem như chiến lược sinh tồn về kinh tế đối với gia đình khi các bé gái bị coi là gánh nặng và việc kết hôn cho các bé gái đem lại lợi ích kinh tế cũng như sự giải thoát khỏi gánh nặng đó.
(Ảnh: Lê Huy Bích).
Trao quyền cho trẻ em gái
Hệ lụy tảo hôn gây ra rất nghiêm trọng, nhưng ở nhiều nơi, tảo hôn còn được xem như chiến lược sinh tồn về kinh tế đối với gia đình khi các bé gái bị coi là gánh nặng và việc kết hôn cho các bé gái đem lại lợi ích kinh tế cũng như sự giải thoát khỏi gánh nặng đó. |
Có thể khẳng định ở góc độ pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Song thực tế câu chuyện về “lời ru buồn”, “ bà mẹ nhí” vẫn có chiều hướng gia tăng ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, có nhiều yếu tố tác động đến sự tồn tại của nạn tảo hôn. Yếu tố có tác động nhiều nhất là tập quán văn hóa, phong tục của một số dân tộc. Bên cạnh đó còn là vấn đề bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết của người dân thậm chí của chính lãnh đạo cấp cơ sở cũng là nguyên nhân khiến thực trạng tảo hôn gia tăng. “Sẽ rất khó hạn chế được nạn tảo hôn nếu như cấp chính quyền cơ sở vẫn làm ngơ, thậm chí đến chúc mừng cho những đám cưới nhí”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, tảo hôn ở lứa tuổi trẻ em được xem như sự vi phạm quyền con người của trẻ em, quyền được sống và phát triển lành mạnh toàn diện, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột, bạo lực và xâm hại tình dục. Do đó giải quyết nạn tảo hôn cấn có sự phối hợp đồng bộ về trách nhiệm và hành động của các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội; gắn liền với các biện pháp, chương trình về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng hạnh phúc, truyền thông biến đổi hành vi về bình đẳng giới, thực hiện quyền trẻ em.
Ý kiến nhiều đại biểu cũng cho rằng, vấn đề tảo hôn sẽ không được giải quyết nếu chúng ta không trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là các trẻ em gái. Cần phải cải thiện sự tiếp cận với thông tin, trao cho các em cơ hội để được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức khỏe tình dục và sinh sản; cho các em có không gian sống an toàn, cải thiện sinh kế và an sinh xã hội. Cần đảm bảo các em gái ngay cả khi đã kết hôn thì vẫn có nhiều lựa chọn và cơ hội tốt cho tương lai. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thái độ của cha mẹ và cộng đồng, tìm ra những giải pháp dựa vào cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Tư- Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không những “mù chữ” mà còn “mù” cả tiếng. Vì thế, đã đến lúc cần xem xét lại truyền thông. Phải truyền thông bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu được tảo hôn là vi phạm pháp luật. Truyền thông cần đi tới trái tim của đồng bào.