Những ngày gần đây không chỉ ở Hà Nội, chất lượng không khí của rất nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc và miền Trung ô nhiễm có hại cho sức khỏe. Cải thiện chất lượng không khí để loại bỏ những tác nhân gây bệnh cho con người là điều mong muốn của chúng ta, nhưng làm việc này không hề dễ.
Chết non do… ô nhiễm
Theo Mạng lưới theo dõi Chất lượng không khí Pam Air thời gian qua, chất lượng không khí khu vực Hà Nội nhìn chung ở mức kém và xấu, có nơi ở mức nguy hại. Nhiều tỉnh thành của miền Bắc và miền Trung cũng ô nhiễm. Các chuyên gia cảnh báo, chất lượng không khí đang bị ô nhiễm có hại cho sức khỏe của mọi lứa tuổi. Người dân cần theo dõi diễn biến chất lượng không khí tại khu vực mình sinh sống để chủ động bảo vệ sức khỏe.
Như chúng ta đã biết, ô nhiễm không khí gây ra bệnh tật, tức thời và lâu dài. Về ngắn hạn là các bệnh dị ứng da, mề đay, ngứa; nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc); kích ứng mũi và họng; ho, suyễn; Viêm phế quản, viêm mũi; khó thở, viêm họng, viêm phổi; đau đầu và nôn. Về lâu dài là các các bệnh đường hô hấp mãn tính; ung thư phổi; làm trầm trọng bệnh tim; gây tổn thương não và thần kinh; gây tổn thương cơ quan nội tạng (như gan và thận). Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2006, trên thế giới có 777.000 người chết non do phơi nhiễm ô nhiễm bụi không khí, trong đó châu Á có 531.000 người chết, chiếm 68%.
Chặn nguồn phát thải không dễ
Chất lượng không khí của Thủ đô Hà Nội xấu như vậy nhưng điều đáng nói là chặn những nguồn phát thải không hề dễ.
Chẳng hạn với mật độ san sát các nhà máy nằm trong vùng nội thành hay phạm vi gần khu dân cư xả thải ra môi trường là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên bụi mịn. Điều đáng nói là, những nhà máy này vô tư xả thải nhưng thử hỏi có bao nhiêu nhà máy lắp đặt hệ thống hút bụi tạo ra từ quy trình sản xuất và khói thì thải vào đâu ngoài bầu trời? Trong khi đó, các công trình xây dựng mọc lên như nấm từ nhà dân cho đến những công trình công cộng thì mấy công trình được che chắn, mà kể cả che chắn thì bụi mịn sẽ tìm đường đi đâu ngoài bay lên không trung? Ô nhiễm khói bụi, vụn vữa khắp nơi từ các công trình này và người dân phải gánh chịu trong lặng lẽ.
Rồi khói bụi đến từ phương tiện vận chuyển trên đường đều sinh ra bụi mịn. Điện than - các nhà máy sản xuất điện này đã và đang cung ứng một nguồn không thể gọi là nhỏ phế phẩm bụi xỉn độc hại mỗi ngày.
Tác nhân đầu độc không khí từ nhiều năm nay chính là sự xả thải ra môi trường của các phương tiện giao thông. Chúng ta đều ý thức được điều này, theo đó những dự luật về đăng kiểm chất lượng ôtô, xe cơ giới đã được thảo luận nhiều nhưng việc thực thi chưa nghiêm khắc. Thời gian gần đây Hà Nội cũng như TP HCM đã nóng lên câu chuyện thu hồi những xe cũ nát, nhưng thu hồi được xe, theo hướng nào cũng chưa thực hiện? Trong khi đó, giải pháp hạn chế cho đăng ký ôtô mới và cả xe máy không phải là giải pháp kém hữu hiệu, nhưng biết đến bao giờ mới thực hiện được thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Chưa nói đến những giải pháp đao to búa lớn kiểu hạn chế phương tiện cá nhân hay thu hồi xe cũ…chỉ riêng việc cấm dùng than tổ ong trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu từ đầu năm 2021 cũng không hề dễ dàng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Thanh Chi (Phó Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội), dù đã có sự chuyển biến tích cực của người dân trong việc nói không với than tổ ong, nhưng để thực hiện được việc cấm hoàn toàn sử dụng than tổ ong vào năm 2021 vẫn là một thách thức, đặc biệt là giải pháp nhiên liệu thay thế cho các hộ thu nhập thấp, do đây vốn là nhiên liệu đốt có mức giá rẻ.
Đâu là giải pháp?
Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn đã có rất nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra cho các bộ, ngành, địa phương.
Chẳng hạn, với Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành có nguy cơ cao cần xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương; ưu tiên quan trắc, đánh giá xác định nguồn ô nhiễm bụi mịn để từ đó có giải pháp kiểm soát, khắc phục. Cần đẩy nhanh việc ban hành và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân; khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành có nguy cơ cao cũng cần kiểm kê, đánh giá các nguồn thải; nghiên cứu, đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông từ các tỉnh đi vào TP trong các ngày ô nhiễm ở mức rất xấu, nguy hại; thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Trồng nhiều cây xanh, phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán… Trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn. Việc xây dựng các công trình giao thông trong đô thị phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khi thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông; xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với các phương tiện giao thông vận tải sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển phương tiện giao thông, xe điện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh.
Bộ Y tế sẽ đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm (người già, trẻ em, học sinh…) trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại. Bộ Công thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: Nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản.
Nhưng trước khi thụ động chờ các giải pháp vĩ mô tổng thể cần hành động dù nhỏ nhất để cải thiện tình hình. Giới chuyên gia cho rằng, trước khi hạn chế phương tiện cá nhân thì có thể khuyến khích người dân sử dụng những phương tiện cá nhân thân thiện với môi trường. Còn trong trường hợp dân không đủ sức hoặc không muốn chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV) thì việc đầu tiên, trong tầm tay là điều chỉnh, phát triển phương tiện công cộng, giờ là xe buýt và tương lai là tàu điện ngày một nhiều hơn. Nếu phương tiện công cộng vừa thuận tiện vừa an toàn, vừa rẻ chắc chắn người dân không dại gì mà dùng phương tiện cá nhân.
Hay với việc cấm người dân sử dụng bếp than tổ ong trong khi nguồn nguyên liệu này rất rẻ chúng ta sẽ kiểm soát ô nhiễm do đốt than bằng cách kiểm tra - thay đổi cách làm than tổ ong hàm lượng lưu huỳnh thấp, rồi bỏ than chuyển sang sử dụng khí tự nhiên, điện và các loại năng lượng sạch, chất lượng cao thay thế như các nước khác đang làm hay không?
Riêng với các nguồn xả thải công nghiệp, các biện pháp cải thiện kiểm soát ô nhiễm đầu cuối, siết chặt tiêu chuẩn xả thải địa phương và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp đã được triển khai. Quan trọng là khâu giám sát phải thật chặt, tránh chuyện xử phạt mà vẫn xả thải ra môi trường thì không thể chấp nhận.
Giới chuyên gia cho rằng, trước khi hạn chế phương tiện cá nhân thì có thể khuyến khích người dân sử dụng những phương tiện cá nhân thân thiện với môi trường. Còn trong trường hợp dân không đủ sức hoặc không muốn chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV) thì việc đầu tiên, trong tầm tay là điều chỉnh, phát triển phương tiện công cộng, giờ là xe buýt và tương lai là tàu điện ngày một nhiều hơn.