Chỉ có khoảng 21% DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này thấp hơn nhiều so với Thái Lan (30%) và Malaysia (46%). Trong bối cảnh đang hội nhập mạnh mẽ nhưng, việc cộng đồng DN nhỏ và vừa chưa thể kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy điểm nghẽn lớn trong năng lực sản xuất của các DN Việt.
Doanh nghiệp Việt phần lớn vẫn hoạt động quy mô nhỏ.
Vẫn quẩn quanh ở “sân nhà”
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, các DN chủ yếu vẫn dựa vào lực lượng lao động giá rẻ, tay nghề thấp, thiết bị công nghệ cũ… do đó yếu kém cả về công nghệ lẫn quản trị nguồn nhân lực. Thực tế này đang khiến các DN nhỏ và vừa của Việt Nam có thể mất nhiều cơ hội trong hội nhập kinh tế.
Theo nhận định của giới chuyên gia, so với tổng số DN hiện nay (khoảng 600 ngàn DN trên cả nước), số DN lớn, có đủ bản lĩnh dẫn dắt, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế quá khiêm tốn, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điểm danh chỉ được một vài DN có tầm ảnh hưởng trong toàn môi trường kinh doanh cả trong nước và quốc tế như TH Truemilk, Vingroup… Trong khi đó, với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, mức độ phát triển kinh tế trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không. Bởi, khi tham gia được vào “sân chơi này”, các DN vừa được hưởng lợi được từ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài vừa tiếp cận với thị trường thế giới, qua đó tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, sau gần 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các DN dân doanh trong nước phần lớn vẫn “quẩn quanh” ở thị trường nội địa. Điều này thể hiện tương đối rõ qua kết quả điều tra về nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp trong điều tra PCI 2015. Theo đó, chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân hay những DN đến từ nước ngoài. Đáng buồn hơn, ngay cả các “ông lớn” trên “sân nhà” cũng chỉ vươn ra thị trường nước ngoài với một tỉ lệ tương đối khiêm tốn (24%).
Cũng theo ông Tuấn, kể cả sự liên kết giữa các DN nhỏ và vừa với các DN FDI tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ vẫn còn rất hạn chế. Theo kết quả điều tra PCI 2015, chỉ có khoảng 3-4% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dù cao hơn, song cũng chỉ ở mức lần lượt 7% và 11%. Những hạn chế liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có thể là những nguyên nhân của hiện tượng trên.
Kết nối để lớn mạnh
Để có thể nâng sức cạnh tranh của các DN nội, không còn cách nào khác, rất cần sự liên kết giữa khu vực DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vì chính sự liên kết này không chỉ giúp công nghệ sản xuất của các DN trong nước được đẩy lên mà quan trọng hơn là khả năng quản trị của các DN nội cũng sẽ được nâng tầm.
Chia sẻ về thực tế hoạt động hiện nay của cộng đồng DN Việt Nam, ông Colin Blackwell - Trưởng nhóm Nguồn nhân lực VBF cho rằng, hiện nay có nhiều công ty tại Việt Nam đã không những bắt kịp với các tiêu chuẩn quốc tế mà gần đây còn vượt qua những tiêu chuẩn này để trở thành những DN tốt, có tên tuổi trên thế giới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, số DN như vậy còn rất hãn hữu ở Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đang thiếu những DN có khả năng dẫn dắt.
“Bộ phận lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là khối DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, theo đó, đẩy mạnh sự phát triển của khối DN này sẽ cải thiện đáng kể toàn bộ nền kinh tế. Khi các DN nhỏ và vừa đạt được những kết quả như những DN FDI hàng đầu, lúc đó Việt Nam sẽ phát triển bền vững” – ông Kolin Blackwell chia sẻ quan điểm. Và để đạt được mục tiêu đó, ông Blackwell cho rằng, cần phải có sự kết nối giữa khu vực DN trong nước và DN FDI. Chính sự kết nối này sẽ tạo sự lan tỏa để các DN Việt Nam có thể tiếp cận với những công nghệ tiên tiến cũng như nâng cao nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy các DN khu vực kinh tế tư nhân lớn dần lên.
Ở chiều ngược lại, theo ông Kolin Blackwell, khi khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh được thì DN FDI mới có cơ hội tiếp cận với lượng khách hàng trong nước lớn hơn, có thể mua nhiều hơn các sản phẩm từ chuỗi cung ứng trong nước, nhờ đó giảm chi phí… “Thêm nữa, khi khu vực kinh tế trong nước chuyên nghiệp hơn, cả nền kinh tế sẽ trở nên hiệu quả, DN FDI sẽ được hoạt động trong môi trường kinh doanh tốt hơn” – vị Trưởng nhóm Nguồn nhân lực VBF nhấn mạnh.