Hiểm họa cận kề

Lê Anh Đức 01/04/2017 09:05

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường ao, hồ nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM... các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã có buổi hội thảo bàn giải pháp khắc phục vấn đề này. Hầu hết các ý kiến đều nhận định rằng, do chưa có quy chuẩn nên khâu xử lý nước thải chưa được triệt để, hàm lượng Nitơ (N) và Phốt pho (P) trong nước thải quá cao dẫn đến hiện tượng phù dưỡng các ao, hồ, ven biển... khiến nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm.

Xả thải trực tiếp tác động xấu đến môi trường.

Về mặt khoa học, N và P là 2 tác nhân chính gây ra các hiện tượng phù dưỡng trong nguồn nước sông, gây ô nhiễm nguồn nước...

Về bản chất, hiện tượng phù dưỡng là một dạng biểu hiện của ao, hồ bị ô nhiễm do dư thừa các chất dinh dưỡng, thường là khi hàm lượng N lớn hơn 500µg/l (microgram/lít) và photpho (P) lớn hơn 20μg/l. Sự dư thừa các chất dinh dưỡng này sẽ thúc đấy sự phát triển của các loài tảo, rong, rêu và các thực vật thân mềm trong nước, gây ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh học của nước.

Các loài sinh vật thân mềm sau khi chết sẽ phân hủy tạo ra một lượng lớn các hợp chất hữu cơ, gây yếm khí cho nguồn nước, làm hàm lượng ô xy hòa tan giảm khiến các loại sinh vật khó có thể tồn tại.

Nghiêm trọng hơn, khi các thực vật trở thành bùn lắng xuống ao hồ, cộng với sự phát triển mạnh của các loài thực vật ở ven bờ làm cho ao hồ ngày càng nông hơn và mặt hồ ngày càng bị thu hẹp, cuối cùng ao hồ sẽ biến thành đầm lầy chết chóc, không có sự sống.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng phù dưỡng tại các ao, hồ chủ yếu là từ nguồn nước thải, mà sát thủ giấu mặt chính là N và P.

Với hàng loạt các cống dẫn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ các khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp, đô thị... đổ vào ao, hồ, dù đã được xử lý hay chưa qua xử lý đều có hàm lượng N và P cao vượt ngưỡng cho phép nhiều lần đã làm các nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.

Có thể ví dụ ngay những vật dụng mà người dân sử dụng hàng ngày mà nước thải có hàm lượng N và P cao ngất ngưởng, như bột giặt, chất tẩy rửa... Chỉ tính riêng Hà Nội và TP HCM mỗi năm đã tiêu thụ trên 32.000 tấn bột giặt và 17.141 tấn chất tẩy rửa và tất cả nước thải đều không qua xử lý mà đổ thẳng xuống ao, hồ.

Bên cạnh đó, nguồn thải từ các khu công nghiệp, các nhà máy cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phù dưỡng ao hồ. Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón hóa học được sử dụng ngày càng nhiều, nhất là phân đạm (chứa N), phân lân (chứa P) cũng là những tác nhân gây hiện tượng phù dưỡng, ô nhiễm nguồn nước.

Về mặt lý thuyết thì ai cũng biết vậy, các nhà khoa học biết, nhà quản lý biết và nhiều người dân cũng biết. Song, vấn đề ở chỗ lại chưa có bất cứ ngành nào, địa phương nào chịu “xắn tay áo” vào cuộc để có thể khắc phục, tiến tới đẩy lùi hiện trạng tồi tệ trên.

Cho đến nay, trong số 35 hệ thống xử lý nước thải tập trung đang được vận hành trên cả nước (công suất đạt khoảng 850.000m3/ngày đêm), thì chỉ có 7 hệ thống xử lý nước thải (tương đương 20%) đạt được các thông số N và P ở ngưỡng cho phép. Ngay cả khi 100% các cơ sở xử lý nước thải có đạt chuẩn về các thông số N và P thì cũng chỉ mới đáp ứng được 12 - 13% lượng nước thải phát sinh. Còn nữa, phần lớn trong khoảng 5.000 làng nghề trên toàn quốc chưa có trạm xử lý nước thải.

Trong khi đó thì có những nhà máy xử lý nước thải tập trung được đầu tư rất nhiều kinh phí nhưng lại trang bị những dây chuyền công nghệ lạc hậu, hoặc không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều hệ thống xử lý không có công trình loại bỏ N và P nên trong nhiều trường hợp không đạt yêu cầu xả thải, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư khiến chất lượng môi trường không những không được cải thiện mà còn ngày càng suy giảm.

Điển hình như Nhà máy Xử lý nước thải ở TP Cần Thơ được đầu tư tới 500 tỷ đồng nhưng lại chỉ có công nghệ xử lý bậc 2 trong khi đó nguồn tiếp nhận loại A (yêu cầu phải có xử lý Ni tơ). Bất hợp lý về công nghệ xử lý nước thải còn xảy ra tại Nhà máy Xử lý nước thải ở Cao Lãnh, Nhà máy Xử lý nước thải Hoa Cương (Đà Nẵng)...

Vì sao lại có chuyện hầu hết các nhà máy, hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đang vận hành lại đang “bỏ quên” 2 “sát thủ giấu mặt” N và P? Phải khẳng định ngay và luôn là người ta không hề quên, mà chỉ đơn giản là người ta không muốn thực hiện việc xử lý N và P vì nó quá phiền phức, tốn kém tiền bạc...

Nói như vậy cũng không đúng, bởi như Nhà máy xử lý nước thải ở Cần Thơ đầu tư tới hàng trăm tỷ đồng thì đâu còn là vấn đề tiền bạc nữa? Vậy thì vấn đề ở đây là chưa có hành lang pháp lý để ràng buộc, chế tài - tức là đang thiếu “cây gậy” để răn đe nên người ta vẫn phớt lờ.

Nói vậy là bởi lẽ, hiện chưa có bất cứ bộ quy chuẩn nào để áp dụng trong việc xử lý nước thải, để có thể giá thông số về hàm lượng N và P trong nước thải sau khi xử lý có đạt chuẩn hay không. Chính vì không có quy chuẩn nên không thể kiểm tra, kiểm soát, theo đó cũng không thể “bắt bò” được cá nhân, tổ chức nào về hành vi xả thải hoặc xử lý nước thải mà hàm lượng N và P vẫn vượt ngưỡng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần cho phép.

Và đương nhiên khi không ai bị sao cả thì tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng. Khi không có đơn vị, doanh nghiệp nào bị truy cứu trách nhiệm về việc “bỏ quên” xử lý N và P trong nước thải thì người ta vẫn cứ sẽ tiếp tục quên, dù có được đầu tư tới cả nghìn tỷ đồng. Vậy thì hiểm họa đã cận kề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa cận kề