Ngày 27/4, Ban Quản lý chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ GDĐT tổ chức tọa đàm “Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục".
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết: Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã vận hành trong 4 năm qua, với sự tham gia của 7 trường Đại học (ĐH) sư phạm và học viện quản lý giáo dục, tác động mạnh mẽ đến hoạt động bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước.
Chương trình đã bồi dưỡng 31.390 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đội ngũ này đã cùng với giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục hỗ trợ cho gần 725.000 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành các mô đun cốt lõi trong bồi dưỡng thường xuyên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh: Với mô hình bồi dưỡng mới, chuyển từ bồi dưỡng tập trung sang tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại địa phương, nhà trường, có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường ĐH sư phạm và hệ thống học tập trực tuyến, lần đầu tiên, các trường đại học sư phạm tham gia vào hoạt động bồi dưỡng giáo viên một cách hệ thống trong phạm vi toàn quốc.
Mô hình đã đem lại hiệu quả kép cho sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng như tăng cường năng lực giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục.
Sau 4 năm triển khai, các trường ĐH sư phạm đã có sự phát triển tích cực, từ vấn đề quản trị nhà trường; nghiên cứu khoa học và sáng tạo đến phát triển chương trình đào tạo gắn với đổi mới giáo dục phổ thông; phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, cảnh quan môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người học.
Từ phía nhà trường, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thông qua hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông, năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã được tăng cường thể hiện ở các mảng quản trị nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu đổi mới và phát triển nhà trường.
Hệ thống văn bản quản lý các mảng hoạt động của nhà trường được ban hành, triển khai thực hiện, rà soát, cập nhật. Nhờ đó, các chính sách của nhà trường luôn phù hợp với điều kiện thực tiễn và cập nhật với chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được nâng cao năng lực biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế học liệu phục vụ bồi dưỡng và đào tạo.
Giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn có cơ hội giao lưu, học hỏi và được tập huấn nhiều khía cạnh liên quan tới giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, góp phần hình thành nên một đội ngũ giảng viên có hiểu biết cơ bản về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giải quyết các khó khăn cho giáo viên phổ thông trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có ảnh hưởng tích cực tới chất lượng đào tạo của Nhà trường.
“Chúng tôi nhận ra những sự thay đổi tích cực trong nhận thức của giảng viên sư phạm chủ chốt sau quá trình công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông" - PGS. TS Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh.
Qua từng mô đun bồi dưỡng, giảng viên sư phạm chủ chốt ngày càng hiểu rõ hơn về của chương trình GDPT 2018, về thực tiễn giáo dục phổ thông ở các địa phương, về năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay cũng như cách dạy, cách học ở phổ thông,… Qua đó giảng viên sư phạm chủ chốt có sự cập nhật, phát triển đối với các chương trình đào tạo của trường; điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo chính quy của Trường.
Giảng viên sư phạm được trao đổi, học tập nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực công nghệ thông tin, nâng cao được năng lực xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, mở rộng được kiến thức thực tiễn, hiểu sâu sắc hơn về chương trình GDPT 2018 và những yêu cầu để thực hiện chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, các giảng viên còn xây dựng được mối quan hệ giữa các giảng viên trong và ngoài trường, gắn kết giữa giảng viên sư phạm, tạo dựng mối quan hệ với giáo viên phổ thông tại các địa phương để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động giáo dục, dạy học cũng như phát triển chuyên môn, nghề nghiệp bản thân.