Trước thực trạng môi trường làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng, nhiều giải pháp, cũng như mô hình đã được áp dụng triển khai và đạt được những hiệu quả ban đầu.
Trước thực trạng môi trường làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng, nhiều giải pháp, cũng như mô hình đã được áp dụng triển khai và đạt được những hiệu quả ban đầu.
Theo số liệu thống kê của Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống. Làng nghề giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
Vậy nhưng, song hành với đó, sự phát triển của làng nghề khiến môi trường bị ô nhiễm, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Vẫn theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chiếm đến 46% số làng nghề được khảo sát có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên. Và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa.
Trong khi đó, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2021, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề so với giai đoạn trước nhìn chung vẫn chưa được kiểm soát, tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng.
Nội dung báo cáo nêu rõ, nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng đốt tại các làng nghề, vẫn phổ biến dùng than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.
Chưa hết, tại một số làng nghề, ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Ô nhiễm không khí xảy ra tại các làng nghề rất khác nhau về chủng loại và mức độ, phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất của làng nghề.
Tại các làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng giết mổ Phúc Lâm (Bắc Giang), làng chế biến nông sản Dương Liễu (Hà Nội), ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi trên một khu vực rộng.
Tại một số làng nghề như làng mộc Chàng Sơn, Bằng Hữu (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), làng nghề da giày Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội)..., ô nhiễm không khí phát sinh chủ yếu do sử dụng các loại dung môi hữu cơ trong công đoạn sơn, đánh bóng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm xảy ra theo thời điểm, không liên tục.
Ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất cũng xuất hiện ở một số làng nghề. Cụ thể, kết quả quan trắc môi trường đất tại phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho thấy: đất sản xuất nông nghiệp có sự tích lũy các kim loại nặng (Cu, Pb, Cd, Zn) cao hơn so với mặt bằng của đất phù sa trong khu vực.
Cụ thể, tại các thôn Đa Hội, Trịnh Xá và Đa Vạn, đất nông nghiệp đã bị ô nhiễm Zn ở tầng 0 - 30 cm. Đặc biệt, ở khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn thải (Đa Hội, Trịnh Xá), hàm lượng Zn trong đất tầng 0 - 30 cm rất cao (478,374 -749,545 mg/kg). Trong giai đoạn 2015 - 2020, mức độ ô nhiễm Zn trong đất tại phường Châu Khê có xu hướng gia tăng, một số diện tích đất lúa đã bị ảnh hưởng đến năng suất.
Nhân rộng mô hình làng nghề bảo vệ môi trường
Như tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (tỉnh Bến Tre), làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp...
Nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường, như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang...
Nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần tạo nên một diện mạo mới về môi trường ở nông thôn như: mô hình “dòng sông không rác” của Nam Định; mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...; mô hình “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường”, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định...; mô hình tuyến đường hoa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai.
Các biện pháp cứng rắn làm sạch môi trường làng nghề
Bên cạnh việc áp dụng những mô hình, còn có các biện pháp cứng rắn nhằm làm sạch môi trường làng nghề. Đơn cử như tại làng nghề giấy Phong Khê ở phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Theo ông Nguyễn Đình Phương – PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh: mới đây tỉnh Bắc Ninh ban hành Văn bản số 2253/UBND-NN.TN tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư đang hoạt động tại phường Phong Khê.
Đoàn kiểm tra có trách nhiệm xử lý nghiêm tất cả các cơ sở không bảo đảm các tiêu chí về môi trường vẫn cố tình hoạt động, kiên quyết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp mạnh tay với số tiền lớn và đình chỉ hoạt động. Đây là động thái quyết liệt nhằm siết chặt công tác bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm tại đây.
Vẫn theo ông Phương, hiện lực lượng liên ngành đã tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định, trái phép ra sông Ngũ Huyện Khê; tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước lấy nước mặt từ đập Phú Lâm không có giấy phép; yêu cầu dọn sạch rác thải 2 bên bờ sông Ngũ Huyện Khê; đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn; triển khai lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng trên địa bàn…
Đã có gần 40 cơ sở sản xuất vi phạm về môi trường bị xử lý, số tiền hơn chục tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất lên đến 9 tháng.