Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất

Lê Bảo 22/07/2023 09:00

Trước bối cảnh doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, số lao động bị ảnh hưởng về việc làm, mất việc gia tăng, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định an sinh xã hội.

Người lao động đăng ký việc làm.

Nửa triệu lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Bản tin thị trường lao động quý II/2022 vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố, trong quý II, cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động, tăng 100.000 người so với quý I/2023 và tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 51,2 triệu người có việc làm, tăng 83,3 nghìn người so với quý I/2023 và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong quý này, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25,4 nghìn người so với quý I/2023, chiếm 2,30%.

Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm cao nhất với 7,41%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 2,75%. Có 940,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước.

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo tăng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 518.500 người có quyết định hưởng; 11.209 người được hỗ trợ học nghề và hơn 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Bộ LĐTBXH dự báo, trong quý III/2023 cả nước sẽ có khoảng 51,5 triệu người có việc làm, tăng 267 nghìn người so với quý II. Một số ngành có nhu cầu tăng việc làm là Dịch vụ ăn uống, tăng 114 nghìn người; Bán buôn (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác), tăng 105 nghìn người; Sản xuất thiết bị điện, tăng 69,7 nghìn người. Tuy nhiên một số ngành tiếp tục cắt giảm nhân lực, gồm: Sản xuất trang phục dệt may cắt giảm 123.000 người, ngành nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người, ngành bán lẻ giảm 32.000 người.

Giải pháp nào để ổn định thị trường lao động?

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, để hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng, Bộ sẽ tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu NLĐ tìm kiếm việc làm mới. Nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức…

Bộ LĐTBXH yêu cầu rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối NLĐ với người sử dụng lao động có nhu cầu.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 làn sóng thất nghiệp gia tăng, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà rất nhiều NLĐ đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, bên cạnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cũng cho rằng, để tìm giải pháp cho bài toán cắt giảm lao động, lao động mất việc làm do DN cắt giảm đơn hàng không phải là vấn đề “một sớm, một chiều” có thể xử lý ngay. Giải pháp căn cơ là cần tái cấu trúc DN, định hướng lại các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chiều sâu. Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ của NLĐ, đặc biệt với lao động trình độ thấp cần đào tạo, đào tạo lại. Trong đó, ngành LĐTBXH, trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương cần tập trung nắm chắc thực trạng của DN trên địa bàn; cả DN có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lẫn DN có NLĐ giãn việc phải sa thải. Từ đó, kịp thời có các giải pháp điều tiết cung - cầu lao động phù hợp.

Để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 176 của Chính phủ ngày 5/2/2021 về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án và các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành LĐTBXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất