Tinh hoa Việt

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan: Sự vui thích cho nghệ thuật tự nhiên

VIỆT QUỲNH 05/12/2023 08:15

Sau 5 năm, từ "Dải hẹp của bầu trời", họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan đã chuyển sang tâm thế rộng mở đầy yêu thương, với những mảng màu phong phú, góc cắt lạ lẫm tưởng thực lại ẩn chứa siêu thực qua 30 bức tranh vừa ra mắt công chúng ở triển lãm “Ngược dòng” tại TPHCM.

hs-nguyen-ngoc-dan-ben-tac-pham-sap-dat-song-con.jpg

Cơ duyên cầm cọ

"Ngược dòng" lần này, một phần tiếp nối phong cách đặc trưng rất Đan, từ những năm miệt mài học mỹ thuật ở Nga cho đến khi trở về Việt Nam chuyên tâm hoạt động nghệ thuật, nhiều phần khác là những lắng sâu của sự tĩnh lặng qua những năm thăng trầm của thành phố, khi mà con người chỉ có thể đón trung thu sau hàng rào sắt cách ly, nhưng ở đó, chim vẫn bay, cây vẫn xanh, đèn lồng vẫn treo cao, hoa vẫn nở...

Ấn tượng nhất, vẫn là những sắp đặt từ những "khung tranh", mà bản thân chúng cũng được hoàn thiện với sự cầu toàn của chủ nhân. Từ là "Chim Hoa Cá Lá"... mở ra cả khoảng trời lớn với những người con của biển, ngồi bình thản trước mây đen mù mịt, chờ cơn bão đi qua... 5 năm để có 30 bức tranh và những sắp đặt này, là những ngày đêm tư duy sáng tạo cộng với sự làm việc quên mình.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giảng viên đại học. Cả nhà không có ai theo đuổi nghệ thuật nhưng may mắn, chị có cơ duyên đọc rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và của thế giới khi còn rất nhỏ, từ những lần mẹ của chị mượn sách của thư viện Trường Đại học Tổng hợp (nơi mẹ giảng dạy): “Tình yêu đối với văn học từ khi còn thơ bé dẫn lối cho tôi đỗ vào Đại học Mỹ thuật TPHCM với số điểm cao nhất môn văn năm đó”, Nguyễn Ngọc Đan nhớ lại.

Lựa chọn con đường đến với mỹ thuật, không phải là văn học, với Đan rất tình cờ. Năm 17 tuổi, trong một lần đi ra phố Tây, thấy những bức tranh được xếp chồng lên nhau bày bán cho những người nước ngoài, tự dưng Đan muốn cầm bút, thử vẽ nên những thế giới đầy sắc màu ấy. Nhờ thế, chị tự phát hiện được năng khiếu hội họa ẩn tàng bên trong. Nguyễn Ngọc Đan bắt đầu học vài tháng ở một phòng chép tranh vào mùa hè năm đó, đến lúc học xong cách vẽ chân dung đơn sắc bằng chì, chị nghỉ vì biết đây không phải là môi trường dành cho mình.

Giữa học kỳ hai năm lớp 12, ngôi trường phổ thông nơi Đan học có đợt phát tờ rơi quảng cáo luyện thi đại học ở cổng trường. Giờ ra về, vô tình đến tay chị là số điện thoại một trung tâm luyện thi Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Đan gọi điện thoại đến đó, nói nguyện vọng thi vào trường vẽ của mình, chị được tư vấn nơi học luyện thi vào mỹ thuật.

Cho đến lúc ấy, Đan mới biết có một ngôi trường mang tên Đại học Mỹ thuật tồn tại ở TPHCM. Sau đó, chị đăng ký học luyện thi 3 tháng thì may mắn đỗ vào hệ chính quy Đại học Mỹ thuật TPHCM theo đúng nguyện vọng.

Đoạn đường học tập của Nguyễn Ngọc Đan trong môi trường mỹ thuật nước nhà trước khi sang Nga luôn xuôi chèo mát mái, chị chia sẻ, chưa từng gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong việc tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng hội họa của mình trong Đại học Mỹ thuật TPHCM.

Là một trong những người tốp đầu được ưu tiên chọn khoa, Nguyễn Ngọc Đan chọn học khoa Sơn dầu sau hai năm cơ bản. Ba năm học tại TPHCM, cảm thấy mình cần củng cố nền tảng nghệ thuật vững chắc mà chỉ môi trường giáo dục ở châu Âu mới có thể mang lại, sau khi bàn bạc và xin ý kiến từ bố mẹ, Nguyễn Ngọc Đan chọn sang Nga học. Lúc bấy giờ, ý thức về nghệ thuật đương đại trong chị còn rất mơ hồ.

“Tôi thi vào Học viện Mỹ thuật Surikov ở Matxcơva thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Nga năm 2002 và đậu thẳng vào năm 3, được thầy Valentin Sidorov, nghệ sĩ nhân dân Liên bang Xô Viết, nhận vào xưởng mang tên thầy”, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan kể lại.

“Hai năm học đầu tôi gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng nền tảng căn bản của nghệ thuật hàn lâm, trong đó có việc phải tự tìm hiểu và học lại những môn Kỹ thuật Hội họa, lịch sử Mỹ thuật nước Nga, Giải phẫu học..., kể cả bộ môn hình họa đơn sắc và hình họa màu mà hai năm cơ bản mình lướt qua. Tôi thường ở lại trường rất muộn sau giờ học, có khi đến tận 9 giờ tối để ngồi trong phòng giải phẫu học nghiên cứu lại những cấu trúc xương khớp của những bộ xương thật, hoặc tốc ký mỗi khi có người mẫu.

Với rất nhiều cố gắng, vào đầu năm học thứ 3 ở Matxcơva tôi vươn lên tốp đầu của xưởng, mặc dù lúc đó sự cạnh tranh không chỉ đến từ những sinh viên Nga hay Liên Xô cũ được học bài bản từ trung cấp mà còn đến từ cả đoàn giảng viên Đại học Mỹ thuật ở các thành phố lớn của Trung Quốc được nhà nước cử sang Matxcơva học cao học. Kết quả tôi tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Mỹ thuật Surikov loại xuất sắc, nhận bằng đỏ năm 2005”.

nguyen-ngoc-dan-va-bo-truoc-tac-pham-phu-hoa..jpg
Nguyễn Ngọc Đan và bố trước tác phẩm Phù hoa.

Không cho phép tư duy dễ dãi

Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Đan chọn ở lại Nga để làm việc và tích lũy kinh nghiệm sống một phần vì tình yêu với nước Nga tươi đẹp với phong cảnh bốn mùa luân chuyển, phần vì môi trường nghệ thuật ở đất nước này níu giữ chị.

Được sống trong một đất nước dành tình yêu và sự trân trọng lớn lao cho nghệ thuật như nước Nga đã cho Nguyễn Ngọc Đan cơ hội được thường xuyên tham quan bảo tàng với nhiều bộ sưu tập lớn của các trường phái nghệ thuật thế giới cũng như các tác phẩm của các nghệ sĩ tài danh nước Nga:

“Tôi đến bảo tàng hoặc trung tâm nghệ thuật gần như mỗi cuối tuần, luân phiên từ Bảo tàng nghệ thuật Quốc gia Pushkin, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Tretryakov đến các trung tâm trưng bày Nghệ thuật đương đại ở Matxcơva...”.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan nhớ lại: “Quãng thời gian dài đắm mình trong các không gian nghệ thuật sang trọng, thưởng thức các tác phẩm đỉnh cao qua các thời kỳ của nghệ sĩ thế giới khiến tôi ý thức được để chuyên tâm thực hành nghệ thuật một cách chuyên nghiệp phải có sự quyết tâm rất lớn. Ngay từ những giai đoạn đầu chập chững theo nghề cần có sự tập trung cao độ, không cho phép sự dễ dãi xuất hiện trong tư duy để mỗi tác phẩm ra đời là duy nhất”.

“Desolation” (năm 2015) là triển lãm cá nhân đầu tiên sau khi họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, quyết định về Việt Nam chuyên tâm hoạt động nghệ thuật. “Dải hẹp của bầu trời” năm 2018 là triển lãm cá nhân đánh dấu quá trình 7 năm làm việc của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan. Ba series trưng bày trong triển lãm này thuộc về ba giai đoạn thăng trầm mà chị trải qua trong hành trình đời sống, mang lại cho chị những chuyển biến về mặt phong cách nghệ thuật theo hướng hiện đại.

Là một người yêu chuộng tự nhiên, như triết lý giảng dạy của mình trong những ngày đầu khai mở D.A.N Studio (Delight.Art.Nature): Sự vui thích cho nghệ thuật tự nhiên.

Vì thế, Nguyễn Ngọc Đan không gặp áp lực để phải gấp rút hoàn thành các tác phẩm của mình. Trong 5 năm qua, Đan làm việc cần mẫn trong sự vui thích từng ngày cho đến lúc các tác phẩm hoàn thiện về mặt nội dung cũng như đạt đến sự chỉn chu ở bề mặt: “5 năm chỉ với 30 tác phẩm cho thấy tôi đã làm việc chậm rãi và mang lại hiệu quả ra sao.

Ý tưởng “Ngược dòng” của tôi ở series “Chim Hoa Cá Lá” đầu tiên là sự đi ngược lại lối mòn, định kiến về quan niệm nghệ thuật, ngoài ra “Ngược dòng” còn mang ý nghĩa vượt thoát những khó khăn, ngặt nghèo của hoàn cảnh khách quan để vươn lên như cách mà con người chúng ta đã đi qua thảm họa, dịch bệnh.
Cũng là sự ngược dòng của chính bản thân tôi trong hành trình nghệ thuật khi một mình đi trên con đường riêng của sự sáng tạo”.

Yêu thích cấu trúc không gian, cấu trúc vững chắc và chiều sâu của không gian 3 chiều trên mặt phẳng 2 chiều được họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan chú trọng.

Để nhấn mạnh chiều kích không gian, chị kiến tạo các tác phẩm có kết cấu và hiệu ứng xa gần dựa trên phối cảnh tuyến tính đã được các nghệ sĩ thời Phục Hưng nghiên cứu và hoàn thiện. Sự yêu thích lớn nhất của chị trong những sáng tác ở giai đoạn này tập trung vào khái quát hóa các mảng hình bằng màu, qua đó nhấn mạnh sự tương tác và cộng hưởng lẫn nhau của màu sắc, gợi nên sắc thái của ánh sáng mang tính biểu tượng, tạo nên một bầu khí quyển phi thực trong từng tác phẩm của mình.

Chính ánh sáng tự thân do màu tỏa ra từ bên trong, không mô phỏng theo nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo nào chiếu từ ngoài vào như các trường phái hiện thực và ấn tượng như ta thấy đã tạo nên cảm giác sâu lắng, tĩnh lặng khác thường trong tranh Đan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan: Sự vui thích cho nghệ thuật tự nhiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO