Gặp họa sỹ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn tại không gian triển lãm AGOhub, nơi anh trưng bày khoảng 40 tác phẩm của triển lãm Đô thị và Ký ức trong tháng 4 này, anh giới thiệu với tôi từng bức nhiếp ảnh phù điêu - lối sáng tác ảnh độc đáo tự anh tìm tòi và thực hiện.
Mỗi bức ảnh là sự kết hợp của nhiều thứ như hội hoạ, điêu khắc, phù điêu, và sự cắt ghép xếp chồng lên nhau… tạo nên những bức ảnh về bộ mặt đô thị theo lối 3D đầy ấn tượng.
Một tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn.
Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ anh đã đam mê vẽ. Bố anh là họa sĩ làm ở xưởng phim hoạt hình, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội.
Từ nhỏ nhìn thấy bố anh vẽ thì anh học theo và nuôi dưỡng ước mơ từ bé. Anh cũng thích văn học, học chuyên văn trường xã hội nhân văn, rồi học ngoại ngữ tiếng Anh – Trung.
Chính việc học ngoại ngữ này đã bổ sung cho anh rất nhiều khi đi tìm hiểu về các ngôi nhà có chữ viết bằng tiếng Trung. Hiện anh đang là giảng viên của ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
Các tác phẩm trong triển lãm Đô thị và Ký ức, mô tả sự phát triển nhanh chóng của các đô thị ở Việt Nam. Các tác phẩm không chỉ mới mẻ về hình thức thể hiện mà còn kích thích suy nghĩ của công chúng tìm hiểu sự phát triển của đô thị.
Đó là các bức ảnh về ngôi nhà mặt tiền Hà Nội, những ngôi nhà bị biển quảng cáo che lấp, hay những ngôi nhà tập thể đã qua nhiều lần đổi chủ, những ngôi biệt thự Pháp cổ đã được xây từ hơn 100 năm trước và những sự chuyển đổi của nó…
Mỗi ngôi nhà là một câu chuyện, một sự tìm tòi cặn kẽ, mà theo như Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, là làm công việc không khác gì một nhà xã hội học. Anh đến từng ngôi nhà chụp ảnh, hỏi thăm chủ nhân của những ngôi nhà có còn ở tại đó nữa hay không?
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Được ở tất cả các loại nhà ở Hà Nội là nhà ống phố cổ, nhà biệt thự Pháp, nhà tư nhân (nhà ống 3 tầng), nhà tập thể và bây giờ là nhà chung cư...
Anh bảo, triển lãm này không phải chỉ đi làm hình cái nhà, mà cái nhà là sản phẩm cuối cùng còn phía đằng sau là công việc của nghiên cứu, khảo cứu, điều tra, phỏng vấn… Tất cả đều có nguyên nhân là sự thôi thúc tìm hiểu lịch sử nơi chốn mình sinh ra.
Nhìn vào những bức ảnh phù điêu về những ngôi nhà với đủ mọi hình hài, anh Sơn chia sẻ: Kiến trúc đô thị nó lộn xộn từ lâu rồi, lộn xộn từ lúc mình sinh ra. Mình sinh ra ở trong một cái nhà ống phố cổ thực ra nó đã bị biến thành nhà tập thể cưỡng bức. Trong đó có hàng chục hộ gia đình sinh sống.
Có bao giờ bạn đặt câu hỏi từ xưa nó đã có hàng chục hộ thế chưa? Hay từ bao giờ thì bắt đầu có nhiều người ở trong 1 ngôi nhà như thế này?
Thì đấy chính là câu chuyện Hà Nội thời mình sống, lúc 5,6 tuổi. Thời đó mình phải đi xếp hàng xách nước, thậm chí hàng sáng xếp hàng đi vệ sinh.
Vì nhà hình ống chỉ thiết kế cho 1 gia đình. Mình cũng từng sống ở 103 phố Huế, nhà của ông bà để lại, nhưng sau 1954 sau khi Việt Nam chia đôi đất nước, thì ở Hà Nội những ngôi nhà ống, nhà Pháp đều bị nhà nước tịch thu chia cho người khác ở.
Cứ tưởng tượng là một ngày đẹp trời họ vào nhà và bảo nhà này là nhà tư sản và bị tịch thu. Ngày xưa trong gia đình cứ có người làm thuê là họ quy vào tư sản và lấy nhà. Đó là câu chuyện của rất nhiều người Hà Nội.
Họa sĩ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn.
Sau 1954 thì khoảng hơn 1 triệu người ở Hà Nội chạy vào Nam, người ta gọi là chạy nạn cộng sản. Cho nên rất nhiều ngôi nhà ở Hà Nội bị bỏ hoang và trở thành nhà tập thể.
Có bao giờ bạn nghĩ và hỏi ngôi nhà đang đẹp thế này tại sao lại nhiều người ở và lại đập phá như thế? Nhà của bố mẹ bạn thì có thể bạn xây lại chứ không có chuyện cơi nới theo kiểu lộn xộn như vậy.
Nếu bạn lên phố cổ hay bất cứ ngôi nhà Pháp nào ở Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân thì có bao giờ hỏi nhà Pháp đẹp như này mà sao lại như nhà tập thể không? Hà Nội ngày mình còn nhỏ nó đã lộn xộn rồi, lộn xộn theo kiểu rất nhếch nhác vì đói kém.
Thế rồi Việt Nam bắt đầu đổi mới thì lại nhức đầu vì karaoke, tệ nạn kinh khủng khiếp. Hà Nội chỉ đẹp trong trí tưởng tượng và lời kể của bố, nó thanh bình như thế nào. Và qua những quyển album ảnh của gia đình.
Và quả thật con người Hà Nội khi ấy rất đẹp. Hà Nội bây giờ trở thành láo nháo và xô bồ, và quan trọng hơn nó không có ký ức, mất dần ký ức.
Bởi vì những người ở trong những căn nhà này họ không có ký ức về ngôi nhà đó, họ có xây nó đâu. Trong khi những ngôi nhà này đều có tên hết...
Trước triển lãm Đô thị và Ký ức, Nguyễn Thế Sơn cũng đã thực hiện nhiều triển lãm theo hình thức nhiếp ảnh phù điêu. Những tác phẩm đầu tiên trong bộ ảnh này là ảnh chụp những ngôi nhà có mặt nhà quay ra phố, nhà ống cao và hẹp, đặc trưng của Hà Nội và được xem như là một biểu tượng của sự giàu có, Nhà Mặt Phố.
Với bộ tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu này, anh đã nhận được giải thưởng tài năng cho học vị thạc sỹ của Viện hàn lâm Nghệ thuật Bắc Kinh vào tháng 5 năm 2012.
Trước đó anh tạm dừng công việc giảng dạy tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam 5 năm để hoàn thành học vị thạc sỹ với lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh ở CAFA, Bắc Kinh…
Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, các tác phẩm của anh có nhiều hơn thứ để nhìn, nó còn có những câu chuyện phía đằng sau. Mỗi bức ảnh là một hồ sơ riêng. Đó cũng là lí do anh để tên triển lãm lần này là Đô thị và Ký ức.
Những cái lớp mặt tiền của ngôi nhà như lớp vỏ não, khi mà nó bị mất cái mặt tiền đi thì nghĩa là ký ức của thành phố đó không còn.
Những ngôi nhà bị che lấp hết mặt tiền bởi các tấm biển quảng cáo, hay những ngôi nhà ở phố cổ qua 100 năm đã có những biến đổi kinh khủng, từ 1 tầng chồng thêm 3,4 tầng, không còn liên quan gì đến tên chủ nhà, tên ngôi nhà...
Chúng ta nhìn thấy sự biến chuyển rõ nét của những ngôi nhà đó. Rõ ràng những ngôi nhà đó là di sản về văn hóa, và như thế ta thấy được cách người ta đối xử với ngôi nhà ngày xưa như thế nào.
Nếu sang Singapore, chúng ta sẽ thấy rằng họ không bao giờ cho thay đổi mặt tiền, muốn thay gì bên trong thì thay, vì mặt tiền chính là ký ức.
Khi xóa đi là xóa đi ký ức. Giống như bây giờ bạn sẽ không bao giờ biết trước đây ở Times city có một nhà máy dệt… Chúng ta đã xóa bỏ rất nhiều ký ức.
“Mình đặt ra một câu hỏi lớn, một dự án lớn với triển lãm này là liệu ký ức có quan trọng đối với một đô thị hay không?”. Cái này tùy vào tầm vóc, tầm hiểu biết của người trả lời.
Những người nhập cư vào Hà Nội thì có lẽ chẳng cần biết? Người ta vào một ngôi nhà mà không phải của mình thì đập thoải mái, tôi chỉ biết tôi ở thôi. Hà Nội qua rất nhiều đợt nhập cư, không bao giờ thấy Hà Nội vắng cả…
Theo Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: Câu chuyện Hà Nội là thứ rất độc đáo, rất nhiều lớp thời gian… “Mình thích Hà Nội, mình thích tìm hiểu về lịch sử của thành phố này. Nó gắn kết với lịch sử của gia đình mình, từ ông bà, bố mẹ. Mình cũng muốn tìm hiểu tại sao ông bà có 4 cái nhà ở phố cổ mà bây giờ chẳng còn cái nào… Lớn dần lên mình sẽ hỏi những câu hỏi đó. Thực ra những triển lãm này cũng là để mình trả nợ cho những thế hệ trước trong gia đình, những câu hỏi lớn về Hà Nội này thay đổi như thế nào, tại sao nó lại thay đổi như thế. Bằng những bộ ảnh, những chuỗi dự án để đưa ra những câu trả lời”.