Đình Hiển Lễ thuộc địa phận thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã đổ nát sau hàng chục năm mòn mỏi chờ trùng tu dù người dân kêu cứu nhiều năm.
Theo lời kể của người dân địa phương thì trước kia đình Hiển Lễ có quy mô kiến trúc rất đồ sộ. Khi mới khởi dựng đình gồm 5 tòa bố cục như hình chữ chủ. Qua thời gian, dưới sự tác động của thời tiết, đình bị hư hỏng nên được dỡ bỏ. Sau này còn tòa ống muống 3 gian và hai trụ cổng.
Mái đình lợp ngói mũi, làm kiểu chồng chiên hai tầng, khoảng cách giữa mái trên và dưới được bưng ván. Xung quanh đình xây bít tường, mặt trước xây tác môn có 3 ô cửa ra vào kiểu vòm cuốn. Theo ghi chép thì đình được làm vào năm Bính Ngọ thời Hậu Lê (1726) trùng tu thời Nguyễn.
Theo ghi chép tài liệu ngọc phả, sắc phong được lưu giữ thì đình Hiển Lễ thờ 3 vị thần. Một là Nguy Trường Sinh đã có công giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục bảo vệ đất nước. Hai là thân phụ của Trường Sinh, tức ông Vũ Lục - tự Hà Tân đã có công truyền nghề gốm cho người dân Hiển Lễ và cuối cùng là thờ vị Cao Lương - kế mẫu của Trường Sinh, người có công nuôi dạy Trường Sinh trở thành người tài giỏi đức độ.
Đình Hiển Lễ không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn chứa đựng những giá trị về kiến trúc nghệ thuật điêu khắc. Những chạm trổ ở đình Hiển Lễ phong phú, sử dụng kỹ thuật đục chạm tinh xảo.
Trước những giá trị về mặt lịch sử cũng như kiến trúc nghệ thuật, năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đình Hiển Lễ có nhiều dấu hiệu xuống cấp (theo người dân thì dấu hiệu xuống cấp từ năm 2007), mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh thế nhưng không có sự quan tâm đúng mực của ngành văn hóa nơi đây. Và một di tích sau chục năm mòn mỏi trùng tu đến nay đã bị đổ nát, cỏ mọc hoang phế.
Hiện phần mái đình đã cũ nát, ngói xô lệch, rơi vỡ, thủng dột, những dui kèo gãy vụn để lộ ra nhiều lỗ thủng lớn. Theo người dân, cũng chính vì mái ngói của đình thủng dột nên bị nước mưa xối vào, gây ẩm thấp, nấm mốc trong suốt thời gian dài đã khiến cho những trụ cột bị mối mọt không thể ngăn được. Hiện nay nhiều thanh kèo đã bị mục ruỗng đang có nguy cơ tiếp tục sụp xuống bất cứ lúc nào. Trong không gian của đền nhiều chỗ đã sụp đổ, tan hoang, cỏ dại mọc cao ngang người.
Tới nay toàn bộ đồ thờ, hiện vật trong di tích đã được di chuyển để bảo quản, nhưng có thể nói các bức hoành phi, câu đối cổ và nhiều cấu kiện chạm khắc đang rơi vào trong tình trạng “màn trời chiếu đất” do chưa thực hiện việc hạ giải khiến việc bảo quản, lưu giữ các cấu kiện của di tích gặp khó khăn. Để tránh xây ra tai nạn đáng tiếc, cửa đình đã bị khóa trái.
Ngày 5/11/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số 6386/UBND-VX1 đồng ý chủ trương, tu bổ đình Hiển Lễ và giao cho UBND thị xã Phúc Yên (nay là TP Phúc Yên) làm chủ đầu tư Dự án tu bổ hậu cung đình Hiển Lễ; đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện tu bổ đình Hiển Lễ trong năm 2014. Thế nhưng tất cả mới chỉ nằm trên giấy còn số phận của ngôi đình vẫn bị lãng quên.
Ngày 24/9/2020, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc gửi công văn số 956/SVHTTDL-QLDS đến UBND tỉnh để sớm tu bổ đình Hiển Lễ. Nội dung “Việc tu bổ di tích đình Hiển Lễ đang xuống cấp nghiêm trọng là rất cấp thiết, đề nghị UBND tỉnh giao UBND TP Phúc Yên (chủ đầu tư) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và dự án tu bổ, tôn tạo đình Hiển Lễ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện tu bổ di tích theo quy định.
Theo người dân thì nhiều năm nay, không ít văn bản giấy tờ của các cấp về việc trùng tu, tôn tạo lại đình. Thế nhưng qua thời gian vẫn không có động thái nào cho thấy sự tích cực và kết quả. đến nay mọi thứ đã hoang tàn bởi sự chậm trễ.
Ông Nguyễn Duy Nhân hiện là Chi hội phó Hội Người cao tuổi và cũng là người phụ trách trông đình cho biết: “Chúng tôi đã gửi nhiều lần đơn rồi, cả lên trực tiếp để gặp thì cũng chỉ mong muốn làm cho dân cái đình sửa lại… chưa biết bao giờ mới làm được. Cơ quan chức năng cố gắng quan tâm sớm bắt tay vào triển khai công tác tu bổ để chúng tôi có chỗ thờ cúng”.
Cũng theo ông Nhân, chùa Hiển Lễ cũng nằm trong quần thể di tích đình chùa được công nhận di tích cấp tỉnh, những năm qua, tượng Phật của chùa đã bị mất gần hết nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra…