Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ Việt Xô số 1, Vĩnh Phúc cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với người học, như: Người học có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc được giảm 60% học phí; người tốt nghiệp THCS được miễn 100% học phí học nghề, được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng nếu có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc. Đặc biệt nhà trường cam kết bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Người học sau khi tốt nghiệp nếu kí hợp đồng lao động tại Vĩnh Phúc ít nhất 1 năm thì được tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 500.000 đồng/tháng…
Cùng với chính sách ưu đãi từ nhà trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho người học nghề như, học sinh tỉnh khác học nghề tại Vĩnh Phúc, sau đó kí kết và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng. Với chính sách này trong nhiều năm nay trường CĐ Công nghệ Việt Xô số 1 luôn vượt chỉ tiêu về tuyển sinh.
Thời gian qua, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhiều trường nghề đã chủ động gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN) uy tín để mở rộng tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề theo hình thức song hành. Đơn cử các trường dạy nghề tại thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyển sinh theo đơn đặt hàng của DN và gắn kết chặt chẽ với DN trong quá trình đào tạo nghề, bảo đảm người học chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đơn cử như Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội đã phối hợp với nhiều DN tham gia quá trình đào tạo. Trường kết hợp đào tạo ngành Cắt gọt kim loại cùng với Công ty TNHH Hanwha Aero Engines. Theo đó, những sinh viên học ngành này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất của DN. Nhà trường cũng sẽ có những điều chỉnh giáo án giảng dạy để phù hợp với quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Do vậy, những sinh viên tham gia quá trình đào tạo sẽ được doanh nghiệp giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp.
Đưa ra dự báo về công tác đào tạo và dạy nghề trong năm 2021 nhiều chuyên gia cho biết, bên cạnh những ảnh hưởng thì dịch Covid cũng mở ra những cơ hội cho các trường nghề. Băng chứng rõ nhất dịch Covid đã khiến hàng triệu người thất nghiệp và mất việc làm, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu người phải chuyển đổi nghề để thích ứng.
Đặc biệt ảnh hưởng dịch Covid đã làm thay đổi cách nhìn nhận của người dân trước học nghề. Nếu như trước đây, người học và gia đình thường coi việc học nghề là lựa chọn thứ hai, sau khi không đỗ vào các trường THPT, ĐH. Thế nhưng hiện nay, đa số người học nghề đều có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi đăng ký dự tuyển.
Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của DN là phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình GDNN từ đào tạo truyền thống dựa trên nhà trường là chủ yếu sang mô hình phối hợp đào tạo giữa nhà trường và DN, bởi thế giới đã chứng minh đây là mô hình hiệu quả nhất.
Thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng năm 2020, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 215 nghìn người, vượt kế hoạch đề ra. Hoàn thành chương trình đào tạo, gần 90% số người học có việc làm. Với kết quả này, năm 2021, Hà Nội phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 220 nghìn người.