Học phí đại học

Hà Trọng Nghĩa 21/09/2023 07:11

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Tờ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, nếu năm 2023 không có quy định khác, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 81, học phí sẽ tăng cao so với năm học 2022-2023.

Cụ thể, mức trần học phí mầm non và giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, thì năm học 2023-2024 dự kiến thu bằng mức năm học 2022-2023. Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tối đa bằng 2 lần mức trần học phí cũ. Cơ sở giáo dục đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tối đa bằng 2,5 lần mức học phí cũ.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là với giáo dục đại học công lập năm học 2023-2024 sẽ tăng trung bình trên 45,7% so với năm trước. Khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%. Đặc biệt, khối ngành Y - Dược tăng 93%: 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên; khối ngành sức khỏe khác là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Các khối ngành học còn lại dao động từ 1,2 - 1,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Vẫn theo Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, mức học phí được thu không quá 2 lần. Cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư không thu quá 2,5 lần.

Ngay sau đó đã xuất hiện nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của đa số người lao động giảm, vật giá leo thang, cuộc sống khó khăn thì việc tăng học phí là tăng gánh nặng cho các gia đình có con học đại học.

Trước đó, ngày 1/8/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GDĐT. Tại Thông báo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024.

Điều đó đã được xã hội đón nhận một cách tích cực. Cũng chính vì thế, việc Bộ GDĐT có Tờ trình Chính phủ nâng học phí (ở đây nói về bậc đại học) ngay từ năm học này đã gặp nhiều ý kiến phản ứng, trong khi trước đó, chuẩn bị vào năm học mới nhiều trường đã công khai hoặc tạm thu học phí năm học 2023-2024 với mức ổn định như năm học trước.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thực hiện cơ chế tự chủ đại học, việc tăng học phí theo lộ trình là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách về học phí nên được quyết định sớm, trước khi sinh viên nhập học để không những bảo đảm công tác quản trị của nhà trường mà còn tạo sự chủ động cho sinh viên, phụ huynh. Đặc biệt, chưa nên tăng học phí ngay trong năm học này cũng chính là chia sẻ gánh nặng cho người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Nhân đây, xin được nêu con số từ Bộ GDĐT: Năm 2023, có gần 20% thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 không nhập học. Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra, có nguyên nhân do học phí. Việc thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không nhập học năm nào cũng có, nhưng lên đến 120.000 em thì vấn đề cần phải được xem xét.

Bên cạnh nỗi lo học phí, tân sinh viên lại đối mặt với rất nhiều khoản lệ phí nhập học lên đến vài triệu đồng. Ví dụ với Trường Đại học Ngân hàng TPHCM gửi cho thí sinh trúng tuyển phụ lục học phí và các khoản phí với 13 loại khác nhau. Các khoản phí bắt buộc, gồm lệ phí nhập, lệ phí thư viện, giáo trình tài liệu số do trường biên soạn, gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến - WiFi, kiểm tra tiếng Anh đầu vào, kiểm tra tin học (mỗi sinh viên phải nộp 2,68 triệu đồng). Ngoài ra còn có các khoản phí tự chọn khác, như kỹ năng mềm 600.000 đồng; tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 là 4.500.000 đồng; tin học căn bản 445.000 đồng.

Ở nhiều trường đại học khác, thí sinh nhập học cũng phải đóng nhiều khoản phụ phí khác nhau. Trong đó có thể kể đến phí khám sức khỏe, tiền đồng phục, phí nước uống, làm thẻ sinh viên, sổ liên lạc điện tử...

Chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục, với giáo dục đại học nhưng người lao động cũng rất cần nhận được sự chia sẻ từ phía nhà trường. Khó khăn là khó khăn chung, vì thế lại càng cần phải chia sẻ. Nếu không, con nhà nghèo chỉ còn biết đứng ngoài cổng trường đại học mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học phí đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO