Giáo dục

Học sinh hành hung giáo viên: Xử lý thế nào?

Nguyễn Hoài 06/12/2023 13:49

Thời gian qua, nhiều vụ việc giáo viên bị học sinh hành hung gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên hình thức xử lý học sinh thế nào để đủ sức răn đe vẫn là câu hỏi đặt ra.

Dư luận những ngày qua bức xúc về hành vi thiếu giáo dục của một nhóm học sinh khi xem những hình ảnh một cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh này ném dép vào mặt.

clip.png
Cô giáo bị nhóm học sinh ném dép vào mặt. Ảnh chụp từ clip.

Trước đó, vào tối 4/12, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại hình ảnh một cô giáo sau khi kết thúc tiết dạy bị nhóm học sinh lớp 7 liên tục chửi tục, ném giấy rác vào người.

Khi giáo viên xách túi rời lớp thì nhóm học sinh này chốt cửa lại, không cho ra ngoài và dồn cô giáo vào góc lớp rồi hò reo, chửi bới, cười đùa, xúc phạm cô giáo của mình. Đỉnh điểm sau đó, một học sinh đã dùng dép ném trúng trán cô giáo...

Ngay sau khi đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành vi thiếu giáo dục của nhóm học sinh này.

Liên quan tới vụ việc trên, đại diện UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) xác nhận, nhóm học sinh trong clip học tại Trường THCS Văn Phú.

Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GDĐT, Trường THCS Văn Phú xem xét, xử lý nghiêm, báo cáo kết quả trước ngày 6/12.

Vụ việc trên chỉ là một trong số hàng loạt vụ việc giáo viên bị học sinh hành hung xảy ra trong thời gian qua. Giáo viên bị học sinh lăng mạ, bị phụ huynh học sinh đánh, bắt quỳ gối..., bạo lực giáo viên gia tăng nhưng xử lý học sinh phạm lỗi thế nào để đủ sức răn đe là câu hỏi đặt ra.

180214ha16192212841.jpg
TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tich Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, học sinh bậc THCS là lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm lý có nhiều biến động. Các em thường có những hành động bộc phát. Vì thế, không tránh khỏi những xích mích xảy ra trong phạm vi trường học.

Về vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh ném dép vào mặt, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, Việt Nam có truyền thông “tôn sư trọng đạo” nên hành vi học sinh hành hung thầy cô giáo là không được phép. Tuy nhiên, cần xem xét nguyên nhân do đâu các em dẫn tới những hành động trên.

Với những học sinh phạm lỗi, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mục tiêu chính không phải là kỷ luật các em mà là giáo dục cho học sinh nhận thức những sai lầm để từ đó sửa chữa.

Bàn về giải pháp chống bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm đặt ra 3 vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất là căn cứ vào tâm lý học sinh để đưa ra các phương pháp giáo dục phù hợp thay vì trút giận, đòi hỏi sự công bằng hay kỷ luật học sinh.

Thứ hai là dựa trên cơ sở công tác quản lý, tổ chức của nhà trường.

Thứ ba là về tính pháp lý, nên yêu cầu học sinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, tất cả các học sinh có hành vi bạo lực học đường không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Như vậy, những học sinh này cần phải đối diện với cơ quan chức trách và có những hình thức phạt và xử lý phù hợp.

“Hiện nay, khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, chúng ta thường đổ lỗi cho nhà trường nhưng tôi cho rằng biện pháp giáo dục để học sinh nhận thức, hiểu về tính pháp lý rất quan trọng. Từ đó, các em sẽ tự chịu trách nhiệm về hành động của mình để chuộc lỗi”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Liên quan tới vụ việc cô giáo bị học sinh ném dép vào mặt, sáng 6/12, thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, Bộ đã có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Công văn nêu, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Bộ GDĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc.

Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cả nhân, đơn vị liên quan khác.

Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Sở GDĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác: quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giảo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh hành hung giáo viên: Xử lý thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO