Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (gọi tắt là Chương trình GDPT 2018). Trong đó đặc biệt nhấn mạnh về môn Lịch sử. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể từ năm học 2022- 2023, môn Lịch sử sẽ là môn bắt buộc với 52 tiết ở mỗi năm 10,11 và 12. Từ số báo này, Báo Đại Đoàn Kết sẽ khởi đăng loạt bài “Học Sử để thêm yêu lịch sử nước nhà”.
Các giáo viên dạy môn Lịch sử mà chúng tôi gặp gỡ, trao đổi đều có chung một quan điểm rằng không phải học sinh chán ghét môn Lịch sử, chỉ là phương pháp dạy và học lâu nay chưa hấp dẫn. Hơn nữa, quan niệm về học môn Sử cũng như sự áp đặt việc chọn nghề của người lớn đã tác động không nhỏ đến thái độ học môn Lịch sử của học sinh
Thước đo kiến thức
Có thâm niên gần 30 năm dạy môn tổ hợp xã hội ở cấp THCS, bà Thanh Hồng - giáo viên Trường THCS Phù Cừ (Hưng Yên) cho rằng, điểm thi môn Lịch sử chính là “thước đo” kiến thức của các em về môn học này. Đơn cử, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Lịch sử bất ngờ là môn có nhiều điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp 2022. Điều này khiến bà Hồng cũng như nhiều thầy cô dạy môn Sử rất phấn khởi. Cụ thể, môn này có tới 1.779 điểm 10, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Lịch sử cũng là môn có nhiều điểm 10 thứ hai trong kỳ thi năm nay (Giáo dục Công dân là môn có nhiều điểm 10 nhất).
Nếu làm một phép so sánh, điểm thi trung bình môn Lịch sử có phần nhích lên theo thời gian: Năm 2016 điểm trung bình môn Lịch sử là 4,49; năm 2017 nhích lên 4,6 điểm; năm 2018 rớt xuống 3,79 điểm; năm 2019 tăng lên 4,3 điểm; năm 2020 tăng lên 5,19 điểm; năm 2021 giảm xuống 4,97 điểm và năm 2022 nhảy vọt lên 6,34 điểm.
Tại sao điểm thi môn Lịch sử luôn đội sổ ở các năm trước như vậy? Theo bà Hồng, điểm thi này thể hiện thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay tại các bậc học, nhất là bậc THCS, THPT. Đặc biệt, việc dạy và học Sử ở lớp 12 không hiệu quả. Học sinh thường sợ học những môn xã hội, có tâm lý học đối phó, học vẹt… Giáo viên dạy một lớp học có đến quá nửa học sinh thờ ơ với môn mình dạy, cũng không muốn thể hiện hết nhiệt huyết. Hai cặp tâm lý, thái độ này với môn Lịch sử tiếp cận, chi phối lẫn nhau, tạo nên một cái kết ngậm ngùi, đó là điểm số môn Lịch sử rất thấp trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nguyễn Văn Khánh - cựu học sinh Trường THPT tại Ứng Hòa (Hà Nội) từng được 1,5 điểm môn thi Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chia sẻ rằng, em không thích nhiều môn học, nhưng Lịch sử là môn em “sợ” nhất. Đến lớp thầy cô giảng bài em chẳng hiểu gì, chỉ thấy buồn ngủ... Sách giáo khoa Sử hầu như em không đụng đến. Sát kỳ thi, em ngó được một chút và đi thi hầu như khoanh đáp án bừa.
Đổi mới cả về quan niệm
Bà Lê Thị Linh - nhóm Trưởng Sử - Địa, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) lý giải thêm, một trong những “rào cản” để học sinh chưa “mặn mà” với học Lịch sử chính từ suy nghĩ, quan niệm của phụ huynh về môn học khi cho rằng Toán, Văn, Ngoại ngữ mới là môn chính, phục vụ thi cử và đầu tư cho học. Lịch sử và các môn khác là môn phụ nên không khuyến khích con học, áp đặt tư tưởng môn chính môn phụ. Ngay cả khi con được lựa chọn đi thi học sinh giỏi môn Sử cũng không ủng hộ, thậm chí viện cớ thoái thác để không cho con mình tham gia.
Sinh viên Nguyễn Đức Ninh - Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT- Trường ĐH Hà Nội) chia sẻ, trước khi chọn học ngành CNTT, em từng rất đam mê môn Lịch sử, ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2018 em từng mơ ước đỗ vào lớp chuyên Sử - Trường THPT Nguyễn Huệ. Tuy nhiên khi ấy cả bạn bè, cha mẹ và họ hàng đều khuyên can. Theo người lớn, phải học khối A hoặc khối D, những ngành sau này liên quan tới kinh tế, tài chính, ngoại giao hoặc ngoại thương đó mới là xu thế thời cuộc... Cũng may việc học CNTT cũng là một sở trường thứ hai của Ninh. Nhưng cho đến bây giờ, cậu sinh viên này chưa thôi băn khoăn về định hướng nghề nghiệp mà người lớn lâu nay vẫn áp đặt lên con trẻ.
PGS. TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) từng phân tích rằng, có 5 nguyên nhân dẫn đến việc học sinh đạt điểm thấp môn Lịch sử. Trong đó, ông Liệu cũng cho rằng nguyên nhân thứ 2 liên quan đến việc học sinh thờ ơ với môn Sử, không thích học Sử và thi Sử điểm thấp là do định hướng của cha mẹ. Bởi, cha mẹ thường hướng con theo những tổ hợp dễ chọn nghề, chọn trường, tìm việc làm. Trong số những ngành nghề này, ít xuất hiện bóng dáng của môn Lịch sử.
Dạy và học chủ động
Các giáo viên dạy Sử mà phóng viên gặp gỡ, trao đổi đều có chung một quan điểm rằng, không phải học sinh chán ghét môn Lịch sử, bởi trong lớp của họ vẫn có những học sinh đam mê tìm hiểu lịch sử. Nhưng để các em hiểu sâu và hứng thú với môn học, phụ thuộc nhiều vào phương pháp truyền đạt của giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nhận định, do chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử vẫn dài; phương pháp dạy Sử chưa lôi cuốn. Lịch sử là câu chuyện kể về quá khứ. Nếu chỉ kể đơn thuần, cũ kỹ và dài dòng kiểu nhồi nhét kiến thức thì không ai muốn nghe, muốn học; nhưng nếu người dạy đổi mới phương pháp, đưa công nghệ, hình ảnh vào tiết Sử thì sẽ gây hứng thú, truyền cảm hứng cho học sinh. Ví như, dạy Lịch sử Đảng, người dạy đưa hình ảnh sinh động vào sẽ làm buổi học trở nên hấp dẫn, thú vị, học sinh cũng dễ tiếp thu hơn.
Một hình thức truyền đạt kiến thức rất mới mẻ, đó là việc học sinh được học Lịch sử ở bảo tàng. Đơn cử, như việc tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia kết hợp với học lịch sử là một trong những nỗ lực nhằm đổi mới phương pháp dạy và học của thầy trò Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội). Được tham gia một buổi học Lịch sử ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, em Nguyễn Thị Hà Phương, lớp 6C1, Trường THCS Chu Văn An chia sẻ, lần đầu tiên, em thấy môn Lịch sử lại thú vị đến thế. Được lắng nghe và quan sát, em hiểu cách con người ở thời kỳ đồ đá làm ra công cụ để săn bắt, hái lượm. Những điều này, nếu chỉ nghe thầy cô giáo giảng trong 45 phút, thông qua các hình ảnh trong sách giáo khoa, có lẽ em và các bạn sẽ rất khó khăn để ghi nhớ.
Trước thực trạng điểm thi môn Lịch sử luôn thấp, băn khoăn lớn cũng được đặt ra có phải do đề khó hay không? Theo PGS. TS Nguyễn Quang Liệu, vấn đề nằm ở việc học sinh học qua loa, không nắm được sự kiện, không liên lục theo mạch, không biết được phân kỳ lịch sử... Phía sau đó, chính là do các thầy cô chưa có cách truyền đạt tốt cho các em.
Làm thế nào để học Sử đạt hiệu quả? Theo em Nguyễn Vũ Thái - Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), giải Ba môn Lịch sử - Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021, việc học kiến thức trên lớp với thầy cô là một phần, quan trọng hơn vẫn là đam mê, tìm hiểu. Thái chia sẻ: Lịch sử là môn học có tính logic rất cao. Vì vậy chọn cách học theo logic sẽ thuộc bài nhanh, nhớ nhanh và cực dễ “ăn” điểm. Nhớ các sự kiện theo một dòng thời gian và có tính logic giúp học sinh hiểu được bản chất của sự kiện, từ đó lưu lại kiến thức trong đầu dài lâu hơn. Mỗi tối cố gắng dành khoảng 30 phút đọc và học Sử để đủ độ ngấm. Như vậy, Lịch sử không còn là “nỗi sợ hãi” nữa.
(Còn nữa)
GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Các thầy cô phải thay đổi
Các thầy cô buộc phải thay đổi, không thể dạy môn Lịch sử theo cách đọc - chép như xưa, mà cần đổi mới phương pháp giảng dạy, lôi kéo học sinh tham gia học tập, đóng góp trong bài học đó. Một số người đặt vấn đề về việc nhiều học sinh học xong lớp 9 vào học các trường nghề, như vậy cũng không được học môn Lịch sử sau khi kết thúc chương trình THCS. Tuy nhiên, đây là phân tích chưa đúng vì học sinh các trường nghề cũng phải học 450 tiết Lịch sử/3 năm, mỗi năm 150 tiết.