Học Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đích đến của xây dựng Đảng là vì lợi ích của nhân dân. Cách mạng muốn thành công phải dựa vào dân. Quan trọng nhất là gắn bó chặt chẽ với dân, xa dân là mất. Lòng dân là quốc bảo lớn nhất của Đảng. PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Đình Phong.
PV: Đánh giá của ông về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của toàn Đảng, toàn dân ta thời gian qua?
Ông Bùi Đình Phong: Tôi có vinh dự đi nói chuyện nhiều nơi, có theo dõi về vấn đề này và thấy việc học tập Bác đã đi vào nề nếp. Từ cấp trên xuống cấp dưới, từ Trung ương đến cơ sở đều đã tổ chức khá bài bản để báo cáo viên đến nói chuyện chuyên đề về học tập và làm theo gương Bác. Có nhiều nơi đã có cách làm sáng tạo, ngoài chủ đề chung thì có lồng ghép những vấn đề cụ thể ở địa phương để tuyên truyền cho sinh động, hiệu quả. Từ việc thực hiện Chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, một số bộ ngành, địa phương xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, rất nhiều người noi theo gương Bác từ những việc nhỏ hàng ngày.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở một số nơi việc học tập còn mang tính hình thức. Địa phương có mời báo cáo viên đến nói chuyện, nhưng cách thức tổ chức vẫn chưa thực chất. Nhiều nơi vẫn học tập theo kiểu làm theo quy định, rất hình thức. Đến nghe Chỉ thị rất quan trọng, nhưng quan trọng sau cuộc nghe ấy, từng cơ sở, bộ ngành, đưa cái đó vào cuộc sống, thực hiện thế nào thì kết quả chưa được như mong muốn.
Để nâng cao hiệu quả của thực hiện Chỉ thị 05, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị như Chỉ thị về nêu gương, quy định những điều đảng viên không được làm... Ông đánh giá thế nào về việc ban hành các chỉ thị này?
- Phải nhìn thẳng sự thật để đánh giá, nói rõ sự thật cả ưu lẫn khuyết điểm. Chúng ta có rất nhiều chỉ thị về mặt này, mặt kia kể cả 19 điều đảng viên không được làm, cán bộ phải gương mẫu, nêu gương ra sao. Đấy là nỗ lực, quyết tâm chính trị của Đảng để nâng cao hiệu quả của việc học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ nào đó, rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải bàn trong quá trình học tập và làm theo tấm gương của Bác. Thực tế là trong đội ngũ cán bộ, công chức ở các lĩnh vực khác nhau cấp này cấp kia thiếu chuyện nêu gương mới phải đẩy mạnh việc nêu gương. Bởi nếu một công chức chỉ hoàn thành tốt chức trách theo Luật Cán bộ công chức đã là tốt rồi. Nhưng anh chưa làm tốt chức phận của mình cho nên mới phải ban hành thêm các quy định.
Tôi lấy ví dụ như quy định về nêu gương, không phải đến Hội nghị Trung ương 8 mới có mà trước đó đã có rồi. Ban hành thêm các chỉ thị cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng ta trong tiến trình lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, nhưng mặt khác cũng cho thấy những chỉ thị mà chúng ta đưa ra là chưa có hiệu lực mạnh mẽ, còn tồn tại mặt này mặt khác nên chúng ta phải tiếp tục ra chỉ thị.
Để tránh chuyện ban hành chỉ thị mà không thực hiện, cần học tập một cách sâu sắc những việc làm của Bác lúc sinh thời. Bác viết trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc năm 1947 rằng: Sau mỗi một chỉ thị, Đảng phải kiểm tra lại chỉ thị đó, nghị quyết đó làm đến đâu. Nếu không thực hiện sẽ trở thành lời nói suông. Thực tế chúng ta có ban hành nhiều quy định nhưng vẫn tổng kết chưa đến nơi đến chốn. Phải xem mỗi một quy định được ban hành làm được thì vì sao, không làm được vì sao, cần làm gì để thực hiện quy định đó cho tốt. Chúng ta không đánh giá như vậy thì chỉ là lời nói suông, mất lòng tin với dân.
Chúng ta đã triển khai tốt nhiều nghị quyết, Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng là một ví dụ điển hình. Ông có thể chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết này?
- Về thực hiện Nghị quyết TƯ 4, tôi cho rằng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ trên xuống dưới, các cơ sở Đảng, trong các sinh hoạt Đảng đều đưa tinh thần của Nghị quyết TƯ 4 để soi xét, kiểm tra, đánh giá, hoạt động của các cấp chính quyền. Đồng thời chúng ta có Ủy ban Kiểm tra TƯ giám sát chặt, xử lý nghiêm những sai phạm. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thực hiện Nghị quyết này vẫn còn nhiều điều cần suy ngẫm. Cụ thể, trong chống tham nhũng, phát hiện mới xử lý nhân vật cụ thể mắc sai phạm. Tất nhiên, người tham nhũng là A,B thì xử là điều đương nhiên. Nhưng xử lý người A, B ấy không phải gốc của vấn đề, vì đằng sau, bên cạnh người A, người B đó thì ai chống lưng? Nghĩa là chúng ta phải xử lý cái gốc của vấn đề.
Liên quan đến vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, Bác Hồ đã viết trong Di chúc rất ngắn gọn nhưng vô cùng súc tích...
- Nghiên cứu Di chúc của Bác mới thấy những điều tiên đoán của Bác đang là những vấn đề thời sự của Đảng ta. Năm 1965 Bác viết: “Trước tiên là nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, phụng sự Tổ quốc, nhân dân, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Lúc đó, Bác chưa nói sâu đến nội hàm chỉnh đốn Đảng. Nhưng đến năm 1968 Bác dùng cụm từ: “Trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, ta hiểu nếu nói về Đảng năm 1965 Di chúc mới chỉ đề cập đến thứ tự trước sau thì năm 1968, vấn đề chỉnh đốn Đảng được đề cập đến đầu tiên. Như vậy là toàn bộ công việc của cách mạng sau chống Mỹ cứu nước thì trước tiên phải làm là chỉnh đốn Đảng.
Vậy cần làm gì để công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?
- Tôi cho rằng học Bác về chỉnh đốn Đảng thì không chỉ học Di chúc mà xây dựng Đảng phải trở lại toàn bộ di sản của Bác. Học Chủ tịch Hồ Chí Minh thì xây dựng Đảng tất cả phải vì lợi ích của nhân dân. Cách mạng muốn thành công phải dựa vào dân. Quan trọng nhất là gắn bó chặt chẽ với dân. Lòng tin của dân với Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền là sức mạnh lớn nhất, để đảm bảo cho Đảng giữ được vai trò cầm quyền. Lòng dân là quốc bảo lớn nhất của Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!