Âm nhạc sử dụng để đệm cho các điệu Xòe của người Thái khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia, trong bối cảnh và xu hướng đất nước có nhiều thay đổi như hiện nay, cách sử dụng âm nhạc theo lối cổ truyền để đệm cho các điệu Xòe của người Thái đang dần bị sao nhãng và mai một.
Thiếu sự sáng táo
Hiện nay, cách thức bảo tồn âm nhạc trong nghệ thuật Xòe Thái theo lối cổ truyền dân tộc chủ yếu được thực hiện trong một số lễ hội của người Thái. Nhìn chung, việc thực hành và bảo tồn âm nhạc trong nghệ thuật Xòe Thái ở những lễ hội này còn giữ được khá nhiều bài bản âm nhạc cổ truyền và có sự tham gia khá đầy đủ của các loại hình nhạc cụ. Nhưng theo một số nghệ nhân tâm huyết với nghệ thuật Xòe thì cho rằng, chất lượng nghệ thuật của phần âm nhạc đệm cho Xòe còn có một số điểm kém hơn so với trước đây và nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thiếu những nghệ nhân chơi nhạc cụ giỏi và thiếu những nhạc cụ đảm bảo chất lượng.
Nghệ nhân Lò Hải Vân dẫn chứng, ngày xưa trong một lễ hội có nhiều bài trống chiêng khác nhau để đệm cho Xòe. Ở đó, có bài thì nhẹ nhàng, uyển chuyển; có bài thì vui tươi, sôi động; bài kết thường chơi chậm rãi, mang sắc Thái hơn buồn để thể hiện tình cảm quyến luyến khi chia tay. Ở mỗi bài có những kiểu chơi trống chiêng khác nhau với những tiết tấu đa dạng và có sự pha trộn các mầu sắc âm thanh trên các vị trí khác nhau của mặt trống, tang trống… Hiện nay, cách thể hiện các bài trống đệm cho múa thường đơn giản hơn, ít màu sắc hơn, tính chất âm nhạc cũng như cách thể hiện giữa các bài trống gần như giống nhau. Ngoài trống chiêng, một số nhạc cụ khác sử dụng để đệm cho Xòe trong lễ hội cũng có sự suy giảm về chất lượng nghệ thuật.
Không những vậy việc bảo tồn Xòe Thái theo lối nghệ thuật trình diễn cũng chưa đồng bộ. Các tỉnh mới chỉ mở được một số ít lớp truyền dạy về nhạc cụ cổ truyền của người Thái. Mặt khác, chương trình truyền dạy các bài bản âm nhạc đệm cho Xòe chưa thực sự được chú trọng. Một điểm đáng chú ý là phần lớn nhạc đệm cho các điệu Xòe không sử dụng âm nhạc và nhạc cụ theo lối cổ truyền của dân tộc. Nhiều CLB văn nghệ đã sử dụng những loại hình âm nhạc khác để làm nhạc nền cho Xòe hoặc một số CLB còn sử dụng đàn oóc gan để đệm cho các điệu Xòe. Một số nghệ nhân cho biết, nhiều người biết Xòe, nhưng chỉ có ít người biết chơi nhạc cụ dân tộc đệm cho Xòe - đặc biệt là nhạc cụ tính tẩu và khèn bè.
Tìm giải pháp tối ưu
Có thể nói, âm nhạc trong nghệ thuật Xòe Thái đang ở tình trạng mai một nghiêm trọng, đặc biệt là trong cách thức bảo tồn Xòe Thái theo lối nghệ thuật trình diễn. Một số nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do nhiều cán bộ quản lý văn hóa, văn nghệ tại các địa phương, tại các cở sơ chưa nắm được ý nghĩa của các bài bản âm nhạc cổ truyền đệm cho Xòe nên đã dễ dãi trong việc sử dụng các loại hình âm nhạc khác thay thế.
Để có thể bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền trong nghệ thuật Xòe Thái một cách hiệu quả, trong thời gian tới cần phải có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình âm nhạc cổ truyền sử dụng trong nghệ thuật Xòe Thái ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần lập danh sách nghệ nhân am hiểu về âm nhạc sử dụng trong nghệ thuật Xòe Thái để làm cơ sở cho việc trao truyền những kiến thức đó chọ thế hệ trẻ. Cùng với đó để phát huy được giá trị của Xòe Thái thì lễ hội là một trong những môi trường lý tưởng để bảo tồn và trao truyền văn hóa - nghệ thuật của nghệ thuật Xòe Thái nói chung và âm nhạc phục vụ cho các điệu Xòe nói riêng. Vì vậy, muốn bảo tồn âm nhạc, chúng ta cần phải quan tâm, đầu tư để người dân có thêm điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn lễ hội của dân tộc mình.
Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào Thái ở một số địa phương vẫn tự nguyện đứng ra tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ hội Sên Lẩu Nó ở tỉnh Điện Biên, Sơn La; lễ hội Chá chiêng ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình … Ngoài ra, một số tỉnh còn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ưu tiên bảo tồn văn hoá truyền thống, trong đó có thực hiện bảo tồn một số lễ hội truyền thống của dân tộc Thái là lễ Cúng Cơm mới, lễ Cầu Mưa; lễ Lên Nhà mới; lễ Cưới hỏi… Có thể nói, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn âm nhạc trong nghệ thuật Xòe Thái ở lĩnh vực lễ hội. Tuy nhiên, để phát huy được hết những nét hay, độc đáo của âm nhạc trong nghệ thuật Xòe, chúng ta cần phải đầu tư khôi phục lại những bài bản âm nhạc cổ truyền đã bị mai một.