Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết 181 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đang sống trong tình trạng nghèo đói trầm trọng.
Theo UNICEF, điều đó đồng nghĩa với việc 181 triệu trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải những tác động bất lợi đối với sự tăng trưởng và phát triển thể chất; tương đương với 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới do bị “thiếu ăn trầm trọng”. Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở trẻ em tập trung tại khoảng 20 quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, nơi 63% trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.
Vẫn theo UNICEF, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tại Dải Gaza khi xung đột vũ trang đã khiến 90% trẻ nhỏ phải sống trong tình trạng thiếu ăn trầm trọng.
Theo nhà dinh dưỡng học Harriet Torlesse, khái niệm “thiếu ăn trầm trọng” để chỉ những đứa trẻ được nuôi dưỡng với thực phẩm thuộc 2 nhóm trong ít nhất 5 nhóm thực phẩm hàng ngày. Trong khi, theo UNICEF, trẻ em cần sử dụng hàng ngày tối thiểu các thực phẩm thuộc 5 trong số 8 nhóm: sữa mẹ, ngũ cốc, trái cây và rau quả giàu vitamin A, thịt hay cá, trứng, các sản phẩm sữa, các loại đậu, và các loại trái cây và rau quả khác.
Theo người đứng đầu UNICEF, bà Catherine Russell, những đứa trẻ bị đói và thiếu dinh dưỡng khi chỉ với 2 nhóm thực phẩm mỗi ngày, ví dụ như với gạo và một chút sữa mẹ, có nguy cơ mắc các chứng suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí tử vong. Còn TS Harriet Torlesse cho rằng trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng có sống sót được và lớn lên, thì chúng cũng sẽ không phát triển tốt. Chúng sẽ kém thành công hơn trong học tập. Đến tuổi trưởng thành, chúng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm sống. Và điều này khiến cho nghèo đói xoay vòng hết đời này sang đời khác.
Đáng chú ý, UNICEF cho rằng, bên cạnh nhóm hơn 180 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiếu ăn trầm trọng, còn có 440 triệu trẻ em dưới 5 tuổi khác (tương đương 66% trẻ ở độ tuổi này), sống tại khoảng 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, bị liệt vào nhóm “thiếu ăn” - theo tiêu chuẩn của UNICEF.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng cảnh báo về các loại đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn có chứa quá nhiều chất béo và đường sẽ không cung cấp đủ vitamin và khoáng chất trẻ cần mà chỉ góp phần vào sự phát triển của bệnh béo phì. "Những thực phẩm này rẻ nhưng lại chứa rất nhiều calo. Chúng giàu năng lượng, nhiều muối, nhiều chất béo. Vì vậy, chúng sẽ làm no bụng và loại bỏ cơn đói nhưng không cung cấp vitamin và khoáng chất mà trẻ cần" - theo UNICEF.