Năm 2024 là năm đầu tiên các trường quân đội sử dụng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 13/17 trường khối quân đội công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm năm 2024.
Cụ thể, ở phương thức xét học bạ, Học viện Khoa học quân sự có đầu vào cao nhất. Thí sinh nam ở khu vực phía Nam đăng ký vào ngành Trinh sát kỹ thuật cần đạt 28,651 điểm để trúng tuyển. Ngành thấp nhất là Quan hệ quốc tế lấy 27,223 điểm với thí sinh nam. Với phương thức xét điểm thi ĐGNL, Học viện Kỹ thuật quân sự có đầu vào cao nhất với thí sinh nữ ở khu vực phía Nam, với điểm chuẩn 24,466; kế tiếp là thí sinh nữ xét tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Khoa học quân sự với 23,825 điểm.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn xét tuyển phương thức ĐGNL là 15, 25 điểm (tuyển 137 chỉ tiêu); điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT là 26,907 điểm (tuyển 68 chỉ tiêu).
Học viện Quân y cũng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm năm 2024. Theo đó, điểm chuẩn xét tuyển sớm bằng điểm thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức của Học viện Quân y cao nhất là 23,63 điểm.
Ngoài ra, Trường sĩ quan Phòng hóa cũng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm 2024. Với thí sinh khu vực phía Bắc: điểm thi ĐGNL là 16 điểm; điểm học bạ THPT là trên 26 điểm. Với thí sinh khu vực phía Nam: điểm thi ĐGNL là 16,425 điểm; điểm học bạ THPT là 24,941 điểm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng tổ chức sơ tuyển bắt đầu từ 15/3. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo ĐH - cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng.
Trong đó, đợt 1 là xét tuyển sớm theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, không quá 15% chỉ tiêu (phương thức 1); xét tuyển từ kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, không quá 20% chỉ tiêu (phương thức 2); xét tuyển từ học bạ THPT, không quá 10% chỉ tiêu (phương thức 3).
Sau đợt xét tuyển sớm là xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT năm 2024, chỉ tiêu được xác định là chỉ tiêu còn lại sau khi xét hết chỉ tiêu 3 phương thức 1, 2, 3.
Điểm khác biệt ở các khối trường này đó là từ năm 2025 sẽ tổ chức một kỳ thi ĐGNL riêng. Hình thức thi sẽ thực hiện trên máy tính với bài thi tương tự ĐH Quốc gia Hà Nội đang thực hiện, nhưng sẽ chỉ phục vụ đối tượng thi vào trong quân đội.
Bài thi sẽ kiểm tra kiến thức tổng hợp gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổng hợp kiến thức Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Các trường khối quân đội sẽ dành tối đa khoảng 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức ĐGNL và sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh chỉ tiêu để phù hợp cho các năm sau.
Mùa tuyển sinh 2024, 17 học viện, trường quân đội tuyển sinh hơn 5.300 chỉ tiêu, tăng gần 1.000 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó xét tuyển sớm 2.191 thí sinh. Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng tiến hành tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ, xét điểm thi ĐGNL, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.